Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị truy tố

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC cùng 7 người bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

VKSND Tối cao ngày 8/4 ra cáo trạng truy tố cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người.

Trong đó, ông Quyết cùng 7 người bị truy tố về hai tội Thao túng thị trường chứng khoán Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết); Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết); Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC; Trịnh Văn Đại, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (anh họ ông Quyết); Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land (em rể ông Quyết, chồng Trịnh Thúy Nga); Trịnh Tuân, nguyên giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết); Nguyễn Thị Hồng Dung (vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với ông Quyết).

13 người bị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán; 22 người về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 người tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

quye-t-jpeg-3639-1708741219-7107-1712633380.jpg
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt, cuối tháng 3/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Quyết lập Công ty CP Tập đoàn FLC, giữ cương vị chủ tịch HĐQT từ năm 2009. Sau 11 năm, hệ sinh thái FLC có 15 công ty con, hai công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cơ quan điều tra cáo buộc, với cương vị thuyền trưởng FLC, ông Quyết chỉ đạo em gái ruột là Trịnh Thị Minh Huế nhờ 45 người trong gia đình đứng tên lập hồ sơ để mở 20 công ty. Sau đó, bà Huế mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên 20 công ty, 45 cá nhân để quản lý, sử dụng, thực hiện hành vi thao túng.

Từ 26/5/2017 đến 10/1/2022, bà Huế dùng danh nghĩa 33/45 cá nhân, pháp nhân để sử dụng 190 tài khoản chứng khoán tại 18 công ty và 83 tài khoản ngân hàng khi giao dịch mua bán cổ phiếu. Thủ đoạn chung bị cáo buộc là "liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm để không dẫn đến chuyển thực sự quyền sở hữu".

Bà Huế còn đặt nhiều lệnh mua bán với khối lượng lớn để "chi phối thị trường vào thời điểm mở, đóng cửa", đặt lệnh mua bán sau đó hủy lệnh. Mục đích nhằm tạo cung cầu giả, "lùa" nhà đầu tư, kết luận điều tra nêu.

Cảnh sát xác định trong 562 phiên giao dịch, nhóm của ông Quyết đã đặt hơn 27.200 lệnh mua 5,7 triệu cổ phiếu; tuy nhiên chỉ khớp lệnh mua gần 1,3 triệu với giá trị hơn 15.000 tỷ đồng. Trong thời gian dài, bà Huế chủ động hủy 5.000 lệnh đặt mua hơn 1,6 triệu cổ phiếu, đặt 11.900 lệnh bán 1,4 triệu cổ song hủy ngay khi chưa khớp lệnh.

Để có tiền đặt lệnh mua, ông Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản mà em gái đang quản lý. Từ đó, BOS hơn 1.500 lần cấp hạn mức ảo cho 79 tài khoản với tổng trị giá khống 170.500 tỷ đồng. Có tiền, bà Huế dùng để đặt 15.000 lệnh mua 2.800 triệu cổ phiếu họ nhà FLC và đã khớp lệnh 463 triệu cổ phiếu.

Từ việc cấp hạn mức khống, BOS bị cáo buộc thu lợi bất chính 42,6 tỷ đồng qua thu phí giao dịch, phí quản lý tài khoản chứng khoán. Khi giá cổ phiếu tăng, ông Quyết chỉ đạo bán, thu hơn 723 tỷ đồng.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...