Cựu lính Trường Sa hồi sinh vùng "đất chết"

(Baohatinh.vn) - Từ vùng “đất chết” oằn mình trong lửa đạn chiến tranh, cựu binh Trường Sa Nguyễn Hải Đường ở thôn Hồng Sơn (xã Trường Lưu, Hà Tĩnh) đã hồi sinh, trở thành mô hình kinh tế trù phú, cho thu nhập 2 tỷ đồng/năm.

Người viết nên kỳ tích ấy là cựu binh Nguyễn Hải Đường (SN 1971 ở thôn Hồng Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cũ) nay là xã Trường Lưu. Ông Đường nguyên là chiến sỹ Lữ đoàn 146 thuộc Hải quân Vùng 4, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa từ năm 1989-1993.

Cựu binh Nguyễn Hải Đường (xã Trường Lưu, Hà Tĩnh).

Năm 1994, sau những tháng ngày can trường tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông trở về quê hương gây dựng cuộc sống. Năm 1996, theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương, ông Đường xung phong vào khai phá vùng đất hoang hóa nằm sâu trong xã Phú Lộc cũ (nay thuộc thôn Hồng Sơn, xã Trường Lưu). Đó là một vùng đất từng nằm trên tuyến đường 70 trong kháng chiến chống Mỹ, nơi từng oằn mình dưới bom đạn và vẫn còn nhiều dấu tích chiến tranh.

“Khi tôi quyết định nhận khu đất, nhiều người can ngăn vì sợ bom mìn sót lại, xa khu dân cư, giao thông và hạ tầng nói chung chưa có gì. Nhưng tôi nghĩ, là người lính từng đứng nơi đầu sóng ngọn gió, lẽ nào lại chùn bước trước gian khó? Hồi sinh mảnh đất cằn cỗi cũng là cách tiếp nối một phần nhiệm vụ của người lính sau chiến tranh” - ông Đường chia sẻ.

Từ một vùng đất chịu đựng nhiều tàn tích của chiến tranh, bằng bàn tay và trái tim nhiệt huyết người cựu binh đã trở nên xanh tươi trù phú. Ảnh: Ông Nguyễn Hải Đường giới thiệu với các cựu chiến binh xã Trường Lưu về giống mai Bến Tre vừa được ông đưa vào trồng thử nghiệm

Bắt tay vào khai hoang, ông cùng vợ đối diện muôn vàn gian nan. Cách xa khu dân cư 8 km, nơi đây không điện, không đường, khu vườn rộng 23.000m2 toàn cây bụi, gai góc mọc hoang. Trên đó, còn có gần 20 hố bom lớn nhỏ, vết tích chiến tranh còn hiện hữu là thử thách, cũng là lời nhắc nhở về quá khứ bi tráng của quê hương. “Mỗi ngày là một cuộc vật lộn với thiên nhiên. Tôi cùng vợ san từng hố bom, dọn từng gốc cây, trồng từng luống rau. 3 năm ròng mới cải tạo xong một phần mặt bằng để bắt đầu sản xuất. Gian khổ là vậy, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc” - ông Đường kể lại.

Từ những thửa đất đầu tiên được phủ xanh, ông Đường bắt đầu trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, ổi Đài Loan; trồng rau màu, kết hợp chăn nuôi bò, lợn, gà quy mô nhỏ. Lấy ngắn nuôi dài, ông vừa mở rộng diện tích sản xuất vừa cùng bà con vùng kinh tế mới góp sức làm đường, kéo điện, dựng nên cơ sở hạ tầng cho vùng đất từng bị lãng quên.

Các cựu chiến binh xã Trường Lưu tham quan mô hình nuôi lợn công nghệ cao của ông Nguyễn Hải Đường.

Bước ngoặt đến vào năm 2014, khi ông quyết tâm chuyển hướng sang chăn nuôi lợn theo mô hình công nghệ cao. Sau nhiều chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn, ông mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng xây dựng khu chuồng trại quy mô 700m2, có hệ thống xử lý nước thải, chế biến thức ăn và kiểm soát dịch bệnh hiện đại. Đồng thời, hợp tác cùng Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trung bình mỗi năm, ông xuất chuồng khoảng 1.300 con lợn, đạt sản lượng trên 130 tấn lợn hơi, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Đường có sản lượng đạt trên 130 tấn lợn hơi/năm.

Chưa dừng lại, năm 2023, ông Đường tiếp tục mở rộng diện tích, trồng thêm 1.000 gốc mai giống Bến Tre để phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Dự kiến, đầu năm 2026 sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Với sự nỗ lực sản xuất, mô hình tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt mang lại tổng thu nhập cho gia đình ông Nguyễn Hải Đường khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đường còn là người tiên phong trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương, tích cực góp kinh phí, ngày công để làm đường, làm nhà văn hóa; hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình khó khăn. Nhờ thành quả lao động, các con của ông đều được học hành đầy đủ và có nghề nghiệp ổn định. Bản thân ông cũng thường xuyên được vinh danh là gương sáng cựu chiến binh trong phát triển KT-XH ở địa phương.

Từ vùng "đất chết", cựu lính Trường Sa đã gieo trồng nên những mùa quả ngọt.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Nguyễn Hải Đường không chỉ làm giàu từ đôi bàn tay trắng mà còn luôn nêu gương sáng trong các phong trào ở địa phương. Ông là tấm gương điển hình cho lớp cựu binh dấn thân, không ngại đổi mới, góp sức xây dựng quê hương sau chiến tranh

Ông Võ Tá Sâm - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Trường Lưu.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói