Đã lạm dụng rượu bia ngày Tết, giờ thải độc để bảo vệ gan thế nào?

Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.

Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 6 ngày qua cũng tiếp nhận gần 700 bệnh nhân. Sau khi cấp cứu, các kíp trực nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa trong bệnh viện hoặc chuyển tới bệnh viện lân cận để giảm tải. Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại Vệnh viện Bạch Mai, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, những ngày Tết thường lá gan của chúng ta rất “quá tải”, đặc biệt là những người sử dụng bia rượu, thực phẩm nhiều dầu mỡ vô tội vạ. Do đó, ngay từ bây giờ để bảo vệ lá gan, hãy nhanh chóng giải độc gan bằng cách dừng ngay bia rượu, uống nhiều nước, ăn uống khoa học để gan được nghỉ ngơi, thải độc.

Theo TS Dương Đức Hùng, trong đợt Tết Mậu Tuất, bệnh nhân bị bệnh nội khoa, mãn tính nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai gia tăng. Trong ngày 29 – 30 Tết, các khoa phòng của bệnh viện đã rà soát, để những người bệnh nhẹ có khả năng về ăn Tết được xuất viện, chỉ còn khoảng gần 1.000 bệnh nhân nặng phải ăn Tết ở bệnh viện vì họ vẫn cần chăm sóc, theo dõi của nhân viên y tế. Tuy nhiên, số bệnh nhân tăng lại rất nhanh do người bệnh về nhà ăn uống, sử dụng thuốc không đảm bảo và có nhiều ca mắc mới nên ngay trong sáng mùng 1 tết đã tăng lên 1.200 ca, tiếp đó trung bình mỗi ngày có thêm 80 ca nhập viện.

Tính đến chiều ngày mùng 5 Tết, số bệnh nhân nội trú của bệnh viện đã lên đến gần 1.5 trường hợp, trong đó có nhiều bệnh nhân mãn tính như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường…

TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, ngày mùng 5 Tết (20/2) khoa kín giường bệnh. Qua thống kê trên máy tính cho thấy mỗi tua trực 8 - 12 giờ có tới 34 nhân viên y tế làm việc và tổng số bệnh nhân được khám, xử trí cấp cứu và hồi sức nội khoa (không có ngoại khoa) trong 6 ngày nghỉ Tết lên tới gần 700 trường hợp.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai căng mình cứu chữa bệnh nhân ngày Tết

Về tình hình ngộ độc rượu, 6 ngày Tết Mậu Tuất, Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai chỉ tiếp nhận 5 ca ngộ độc rượu, 1 trường hợp tử vong trên nền bệnh lý khác kết hợp với sử dụng rượu.

Tuy nhiên, theo TS Dương Đức Hùng đó chỉ là con số bề nổi của tảng băng chìm bởi đó là những ca nặng cần phải có sự can thiệp y tế. Còn rất nhiều tình trạng sau uống rượu nôn mửa… ở tại các gia đình gặp rất nhiều, nhưng chưa đến mức phải đi viện, hoặc đi viện nhưng ở tuyến dưới. Những trường hợp ngộ độc rượu chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai thường là quá nặng, đã rơi vào hôn mê, suy đa tạng, mất tri giác…

“Do đó, cần phải có sự thay đổi về thói quen uống rượu, chúc tụng rượu bia trong ngày Tết kiểu như “rượu bất khả ép, ép bất khả từ” bởi chúng ta cứ nghĩ chỉ uống rượu đến khi phải nhập viện mới nguy hiểm, mà trên thực tế khi chúng ta sử dụng quá nhiều rượu, bia dù chưa đến bệnh viện cũng đã gây tổn hại nghiêm trọng cho gan. Bởi lạm dụng rượu, bia làm men gan tăng cao từ đó sẽ làm phá hủy tế bào gan mà tế bào gan bị phá hủy thì khó phục hồi.

Uống rượu nhiều vài năm sau sẽ gây xơ gan, viêm tụy. Từ xơ gan đến khi tử vong là cả một quá trình dài điều trị gây ra gánh nặng của cả gia đình và xã hội.

Vậy theo TS Dương Đức Hùng khi đã uống rượu, bia nhiều trong dịp Tết, để giải độc cho gan, việc đầu tiên là chấm dứt không đưa chất độc là rượu, bia vào cơ thể. Tiếp đến hãy uống thật nhiều nước để đào thải độc tố ra ngoài.

“Lúc này, tuyệt đối không nên uống một đống thuốc gọi là bổ gan để thải độc cho gan vì khi uống thuốc nhiều càng làm cho gan phải chuyển hóa, làm việc nhiều hơn, như thế gan càng “vất vả” hơn. Thay vào đó, hãy ăn uống nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa, cân bằng các nhóm đạm, đường, chất béo, chất xơ”- TS Hùng khuyến cáo

Theo Thái Bình/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói