Kiệt sức bởi áp lực nuôi con "siêu nhân"

Tham vọng nuôi con tài giỏi cả kiến thức lẫn kỹ năng sống khiến nhiều phụ huynh hy sinh mọi nguồn lực, trong đó có sức khỏe, lâu dần dẫn đến kiệt sức và mắc bệnh tâm lý.

5h chiều sau khi tan làm, chị Huyền, 40 tuổi, đi hơn 10 km từ cơ quan tại Tây Hồ về Mỹ Đình, đến trường đón con trai Hải Nam, lớp 8 cùng con gái lớp 4 đi học thêm. Nam học thêm 6 buổi một tuần các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và bơi lội, nghệ thuật, tranh biện tiếng Anh vào cuối tuần.

Bé lớp 4 được mẹ đặt mục tiêu thi vào trường THCS chất lượng cao, nên cũng học thêm tại trung tâm từ thứ hai đến chủ nhật, bên cạnh các môn kỹ năng. Áp lực công việc và việc di chuyển cả ngày trên đường khiến chị Huyền thường xuyên mệt mỏi, kiệt quệ, ăn ít, ngủ kém.

Trong khi vợ chịu trách nhiệm chăm lo con cái, anh Toàn, chồng chị Huyền, gánh áp lực là trụ cột gia đình. Ngoài công việc chính tại một công ty truyền thông, người đàn ông nhận thêm hai "job" khác, thường xuyên thức đến 3h sáng. Cường độ làm việc cao khiến anh luôn căng thẳng, cáu giận.

Gần đây anh nảy sinh tâm lý lo âu, sợ hãi nghĩ bản thân mất việc sẽ làm con cái "đứt gánh" tương lai, vì hai vợ chồng đều coi việc đầu tư giáo dục là mục tiêu tối thượng. "Việc này đảm bảo cho trẻ nhà tôi có ưu thế với các bạn, giúp chúng có việc làm tốt, thu nhập cao, cuộc sống ổn định sau này", anh Toàn nói.

Muốn cân bằng lại năng lượng và cảm xúc, anh đến một phòng khám chuyên khoa khám, được bác sĩ chẩn đoán rối loạn lo âu kèm trầm cảm nhẹ, cần uống thuốc và trị liệu tâm lý.

Chị Minh, 36 tuổi, ở TP HCM cũng bị rối loạn lo âu vì phải "gồng mình" nuôi ba con nhỏ. Thu nhập chỉ ở mức trung bình song vợ chồng chị luôn phải cố gắng cho con học thêm, các lớp kỹ năng để có ưu thế vượt trội. Đọc các thông tin trên truyền thông về tương lai máy móc sẽ thay thế con người, cùng việc thấy nhiều người xung quanh đầu tư cho con cái, người phụ nữ càng sốt ruột.

Dù thường xuyên stress, ngủ kém, chị Minh vẫn cố gắng nhận thêm nhiều việc để tăng thu nhập, chi trả tiền học cho con. Cuối cùng, áp lực tinh thần kéo dài khiến chị ngày càng mất ngủ, đau đầu, vã mồ hôi, tim đập nhanh. Chị đến gặp chuyên gia, được chẩn đoán rối loạn lo âu, phải điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý.

Ảnh minh họa: Phương Thảo
Ảnh minh họa: Phương Thảo

Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho thấy 48% phụ huynh nước này cho biết họ bị căng thẳng mãn tính, thường xuyên đối mặt với các lo lắng về tiền bạc, sự an toàn, vật lộn để có giấc ngủ. Ngoài ra là lo lắng về mạng xã hội, thiết bị điện tử, cũng như các vấn đề sức khỏe tinh thần của con. Hiện Việt Nam chưa có thống kê về tình trạng căng thẳng của cha mẹ trong nuôi dạy con, nhưng các con số về vấn đề rối loạn tâm thần ở người lớn đang gia tăng. Trong đó, giá nhà tăng, chi phí học tập, y tế và sinh hoạt ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ tạo không ít căng thẳng.

Trong một chia sẻ gần đây về sức khỏe tâm thần của cha mẹ trên Nytimes, tiến sĩ Vivek H. Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ, nhìn nhận thực tế: "Nuôi dạy con cái ngày nay quá khó khăn và căng thẳng". Phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều kỳ vọng từ xã hội khiến họ phải dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để giáo dục cũng như bồi dưỡng con cái mình.

Áp lực này một phần xuất phát từ nỗi sợ, rằng nếu không trang bị cho con cái mọi lợi thế có thể, chúng sẽ bị bỏ lại, không thể có được một cuộc sống đủ đầy, nhất là trong bối cảnh máy móc đang dần thay thế con người. Mặt khác, phụ huynh gặp áp lực cả vô hình lẫn hữu hình từ việc so sánh con cái qua mạng xã hội hoặc các định kiến về nuôi con theo chuẩn xã hội.

"Điều này đã khiến nhiều gia đình cảm thấy kiệt sức", tiến sĩ Murthy cho hay.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết nhiều phụ huynh phải "gồng mình" nuôi con gây stress mãn tính. Đây là tình trạng căng thẳng kéo dài, thường do các sự kiện dai dẳng như thất nghiệp, lạm dụng thể chất hoặc tinh thần, xung đột hôn nhân, hoặc các áp lực khác. Các triệu chứng của stress mãn tính có thể tồn tại nhiều tháng hoặc nhiều năm và khó điều trị dứt điểm. Nếu không được quản lý, căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng như rối loạn tâm thần, bệnh thể chất khác...

Thực tế, nhiều cha mẹ phải làm ngoài giờ, tìm thêm việc làm để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, dẫn tới không thể cân bằng giữa công việc và gia đình, gây kiệt sức. Khi bất ngờ gặp biến cố như phá sản, thất nghiệp, bệnh tật, người thân qua đời... dễ tạo nên cú sốc, tiền đề khởi phát các bệnh tâm thần. Ngoài ra, với người đã bị một số vấn đề tâm lý từ thời trẻ, việc nuôi con có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Cha mẹ bất ổn tâm lý không chỉ phát sinh bệnh tật, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, duy trì mối quan hệ tình cảm, xã hội của chính họ, mà còn trực tiếp tác động đến sự phát triển của trẻ. Trẻ có cha mẹ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể đối mặt với những rủi ro gia tăng, bao gồm triệu chứng trầm cảm và lo âu ở hiện tại và tương lai.

Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia khuyên việc cha mẹ tự biết cách chăm sóc bản thân là vô cùng quan trọng. Họ nên dành thời gian cho sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đủ giấc. Có thể áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, yoga, hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí để giữ tâm lý tích cực.

"Thiết lập kỳ vọng thực tế về việc nuôi dạy con sẽ giúp giảm bớt áp lực và cảm giác thất bại, vì không có ai là cha mẹ hoàn hảo", chuyên gia nói, đồng thời giao tiếp cởi mở với con cái, tạo môi trường thoải mái để trẻ khám phá những gì yêu thích.

Khi có các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nên sớm đến các cơ sở chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng nếu giấu bệnh hoặc không điều trị.

vnexpress.net

Đọc thêm

Ăn táo rất tốt nhưng lưu ý 7 tác dụng phụ

Ăn táo rất tốt nhưng lưu ý 7 tác dụng phụ

Táo chứa nhiều dinh dưỡng thậm chí ăn táo mỗi ngày còn được coi là 'không cần gặp bác sĩ'. Tuy nhiên, hãy chú ý đến nhược điểm của quả táo để biết nên ăn táo thế nào tốt cho sức khỏe.
Đâu là độ tuổi phù hợp để con bạn dùng smartphone?

Đâu là độ tuổi phù hợp để con bạn dùng smartphone?

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đề xuất cha mẹ nên trì hoãn việc cho trẻ sử dụng smartphone cho đến khi trẻ 14 tuổi. Với mạng xã hội, cột mốc này là 16 tuổi. Vậy làm thế nào để giúp trẻ tránh xa điện thoại?
Cách đông lạnh rau quả an toàn và không mất chất dinh dưỡng

Cách đông lạnh rau quả an toàn và không mất chất dinh dưỡng

Nhiều người cho rằng rau quả đông lạnh ít dinh dưỡng hơn rau tươi, nhưng trên thực tế cả hai loại đều chứa lượng vitamin và khoáng chất tương tự nhau. Thậm chí đông lạnh đúng cách còn giúp tránh thất thoát dinh dưỡng trong rau quả sau khi thu hoạch.
Tăng chiều cao tối ưu cho trẻ bằng cách tập thể dục

Tăng chiều cao tối ưu cho trẻ bằng cách tập thể dục

Nhiều người cho rằng gen di truyền sẽ quyết định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, chiều cao của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó phải kể đến dinh dưỡng, thói quen và tập luyện thể dục.
Dấu hiệu nhiễm giun khi nuôi chó mèo

Dấu hiệu nhiễm giun khi nuôi chó mèo

Gia đình tôi nuôi nhiều chó, mèo. Tôi được biết những động vật này dễ gây nhiễm giun đũa. Xin hỏi dấu hiệu nhiễm giun đũa và cần làm gì để đề phòng?
Lợi ích của việc để trẻ buồn chán

Lợi ích của việc để trẻ buồn chán

Trẻ dễ thấy buồn chán trong thời gian nghỉ hè nên phụ huynh thường lo lắng "kiếm gì cho chúng nó chơi" mà quên mất rằng để trẻ ngồi không cũng có những lợi ích.
Thiếu canxi cần phòng ngừa như thế nào?

Thiếu canxi cần phòng ngừa như thế nào?

Canxi rất quan trọng với cơ thể, là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương và răng, chiếm khoảng 99%. Vì vậy, việc thiếu canxi có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ở cả người lớn và trẻ em.
7 biểu hiện cho thấy cơ thể thiếu canxi cần bổ sung

7 biểu hiện cho thấy cơ thể thiếu canxi cần bổ sung

Canxi không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với xương và răng, mà còn là một phần không thể thiếu đối với hệ thần kinh, cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Vậy khi cơ thể bị thiếu canxi thì sẽ có biểu hiện như thế nào?
5 quy tắc quan trọng khi cho trẻ đi bơi

5 quy tắc quan trọng khi cho trẻ đi bơi

Một hoạt động mà trẻ rất yêu thích khi vào hè là bơi lội nên phụ huynh cần cảnh giác tối đa trước những hiểm họa tiềm tàng có thể xuất hiện khi trẻ chơi dưới nước.
Viêm loét dạ dày và cách phòng ngừa

Viêm loét dạ dày và cách phòng ngừa

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Khi phát hiện sớm, bệnh dễ dàng được chữa khỏi, nhưng nếu để kéo dài, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.