Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. |
Toàn cảnh phiên thảo luận
Đầu phiên làm việc, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự như: Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; áp dụng pháp luật phòng thủ dân sự và các luật liên quan và chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền và các biện pháp được áp dụng trong hoạt động phòng thủ dân sự; hoạt động chỉ đạo, điều hành; cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự; quỹ phòng thủ dân sự; nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự;…
Tham gia thảo luận, Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu 4, đại diện cho đoàn Hà Tĩnh bày tỏ thống nhất với dự thảo luật, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng thuận với nhiều ý kiến phát biểu đề xuất giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình có chỉnh lý một số nội dung phù hợp như phương án 1 dự thảo luật, đồng thời phân tích sự cần thiết giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự.
Đại biểu nhấn mạnh hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân và nền kinh tế quốc dân như: hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh...
Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH đoàn Hà Tĩnh phát biểu ý kiến về thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.
Trung tướng Hà Thọ Bình khẳng định việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo phương án 1 như trong dự thảo luật là phù hợp, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị: “Phòng thủ dân sự phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, các lực lượng và toàn dân để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế”.
Đại biểu cho rằng, quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, mà yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn và cấp thiết để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.
Trung tướng Hà Thọ Bình lấy dẫn chứng thực tiễn, nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa, gây ra. Như thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 ở nước ta nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực mà không phải thành lập Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19.
Đối với quân đội, đại biểu nêu tầm quan trọng trong tác chiến luôn luôn phải có lực lượng dự bị mạnh để sẵn sàng xử trí các tình huống trong quá trình tác chiến. Quỹ Phòng thủ dân sự cũng được coi là lực lượng dự bị, nguồn dự phòng để sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong tình hình hiện nay và trong tương lai.
Đại biểu phản biện rằng, nếu thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo phương án 2, khi xẩy ra sự cố, thảm họa thì không có ngay nguồn lực mà phải chờ thời gian huy động. Như vậy, việc ứng phó, khắc phục hậu quả đối với sự cố, thảm họa xảy ra không kịp thời, hiệu quả không cao. Mặt khác, nếu thành lập theo phương án này, trường hợp sử dụng nguồn lực quỹ không hết sẽ phải quản lý nguồn dư thừa còn lại và cách sử dụng như thế nào.
Từ những lý do đó, Trung tướng Hà Thọ Bình khẳng định việc quy định Quỹ Phòng thủ dân sự như phương án 1 tại Điều 41 dự thảo luật là phù hợp, bảo đảm linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Kết thúc phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đại tướng Phan Văn Giang Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ một số vấn đề.