Ảnh minh họa.
Thông tin trên trích từ báo cáo được công bố hôm nay (9/4) của tổ chức từ thiện Oxfam có trụ sở tại Nairobi, ngay trước cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Báo cáo của Oxfam đã tính toán tác động của đại dịch đối với nghèo đói toàn cầu do thu nhập hoặc tiêu dùng gia đình bị thu hẹp.
“Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay diễn ra nhanh chóng, sâu hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các ước tính cho thấy, bất kể kịch bản nào xảy ra, nghèo đói toàn cầu có thể gia tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990”, báo cáo của Oxfam có đoạn viết, trong đó nhấn mạnh đại dịch Covid-19 có thể khiến một số quốc gia trở lại mức nghèo cách đây ba thập kỷ.
Các nhà phân tích của Oxfam đã nêu ra một số kịch bản, có tính đến các mức nghèo khác nhau được xác định bởi WB. Theo đó, diện nghèo đói cùng cực - được định nghĩa là sống với mức sống 1,90 USD/ngày hoặc ít hơn và diện nghèo khổ cao hơn với mức chi tiêu dưới 5,50 USD/ngày.
Trong kịch bản xấu nhất - thu nhập giảm 20% - số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ sẽ tăng thêm 434 triệu người, lên 922 triệu người trên toàn thế giới. Kịch bản tương tự sẽ chứng kiến số người sống dưới ngưỡng 5,50 USD/ngày tăng thêm 548 triệu người, lên gần 4 tỷ.
Phụ nữ có nhiều rủi ro hơn nam giới, vì họ có nhiều khả năng làm việc trong nền kinh tế phi chính thức với ít hoặc không có quyền làm việc. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) định nghĩa một thực thể kinh tế phi chính thức thỏa mãn các điều kiện: “Một thực thể không phải doanh nghiệp - tức không có pháp nhân chính thức, không có bản cân đối kế toán, báo cáo hoạt động kinh doanh chính thức, thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc hộ gia đình; là một thực thể thị trường - tức có bán hàng hóa dịch vụ do mình làm ra; và có một số lượng lớn nhân công không đăng ký chính thức”.
“Những người nghèo nhất không thể nghỉ làm, họ không có các khoản dự trữ”, Oxfam cảnh báo, cho biết hơn 2 tỷ lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới không có điều kiện, đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc y tế khi ốm đau.
WB hồi tuần trước cho biết số người nghèo đói ở Đông Á, khu vực Thái Bình Dương có thể tăng thêm 11 triệu nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Để giúp giảm thiểu tác động từ dịch COVID-19, Oxfam đề xuất kế hoạch hành động 6 điểm nhằm cung cấp các khoản trợ cấp bằng tiền mặt và cứu trợ cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu.
Bên cạnh đó, Oxfam cũng kêu gọi các nước giàu xóa nợ, IMF hỗ trợ nhiều hơn và tăng viện trợ. Đánh thuế mạnh vào những lĩnh vực kinh daonh siêu lợi nhuận và các sản phẩm đầu cơ tài chính nhằm giúp gây quỹ cần thiết.
Nhiều lời kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo gia tăng trong những tuần gần đây giữa bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đối mặt với nhiều khó khăn.
Tổng cộng, chính phủ các nước trên thế giới sẽ cần huy động ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển vượt qua khó khăn từ đại dịch.
"Các nước giàu đã chỉ ra rằng tại thời điểm khủng hoảng này, họ có thể huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế của chính họ. Tuy nhiên, nếu các nước đang phát triển không thể đối phó với các ảnh hưởng về sức khỏe và kinh tế do dịch COVID-19 gây ra thì cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục và nó sẽ gây ra tác hại lớn hơn cho tất cả các nước, giàu và nghèo”, Oxfam cho hay.