Tham dự chương trình có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng nhiều đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành là con em người Nghệ An – Hà Tĩnh và bà con nhân dân 2 tỉnh sống ở Thủ đô Hà Nội
Kỷ niệm 5 năm UNESCO công nhận Di sản phi vật thể Dân Ca – Ví, giặm, ông Lê Doãn Hợp thay mặt cho cả 2 Hội Đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh tại TP Hà Nội phát biểu nhấn mạnh: “Dân ca xứ Nghệ không chỉ được nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh tôn thờ mà được cả nước tôn trọng và nhân loại tôn vinh. Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh là sức mạnh tinh thần vô giá, giúp cho quê hương ta, con cháu chúng ta từ quá khứ với hiện tại, gắn với tương lai, qua đó có thêm niềm tin yêu và nghị lực để lạc quan vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, lập nên bao kỳ tích, trang sử vẻ vang, lịch sử, truyền thống 4.000 năm giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại buổi lễ
Chính nhờ các giá trị đặc trưng và trường tồn đó mà ngày 27/11/2014, Tổ chức văn hóa Thế giới (UNESCO) đã vinh danh Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Phi vật thể của nhân loại. Đó không chỉ là niềm vui của nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng mà còn là niềm tự hào chung của đồng chí, đồng bào cả nước...”
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với diễn viên tham dự chương trình “Ân tình ví, giặm”.
Bà Đinh Thị Nga 70 tuổi quê Đức Thọ, Hà Tĩnh là người sống ở Thủ Đô hơn 40 năm chia sẻ: “Cám ơn Hội Đồng hương 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã cho bà con sinh sống trên đất Thủ đô Hà Nội được nghe các làn điệu Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh nhân dịp kỷ niệm 5 năm được UNESCO công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại. Mong muốn các đoàn Dân ca của 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh có kế hoạch hằng năm dành riêng cho bà con xứ Nghệ xa quê sống trên đất Thủ đô được thưởng thức món ăn tinh thần đã gắn bó trong tâm khảm, máu thịt, khắc sâu trong con người xứ Nghệ”.
Đại diện Hội đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh trao bằng lưu danh cho các nhà tài trợ.
Đêm diễn đưa đến cho những người con Nghệ An và Hà Tĩnh xa quê, sống ở Thủ đô Hà Nội đắm mình trong một không gian văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, thân thương.
5 năm qua, việc “Bảo tồn và phát huy các giá trị Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh” từng bước được xúc tiến mạnh mẽ, gồm nhiều hội thảo khoa học, điều tra, điền dã, sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ các làn điệu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động, xây dựng các CLB dân ca ví, giặm ở khắp mọi vùng miền trong hai tỉnh, tổ chức các kỳ Liên hoan nghệ thuật quần chúng... Các hoạt động góp phần không nhỏ trong việc quảng bá nghệ thuật này tới đông đảo công chúng trong nước cũng như ngoài nước, nâng tầm nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. |