Dân lấn đất, chính quyền thờ ơ, môi trường bị ô nhiễm!

(Baohatinh.vn) - Hồ Cầu Khoai (đoạn giáp ranh giữa thôn Xuân Thọ, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh và tổ dân phố Châu Phố, phường sông Trí, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hiện đang bị người dân Châu Phố lấn chiếm, làm hẹp diện tích, gây tắc tụ; xả nước thải sinh hoạt bừa bãi dẫn tới ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân thôn Xuân Thọ. Thế nhưng, chính quyền phường Sông Trí dường như vẫn thờ ơ trước sự việc...

Hồ thành lạch, môi trường ô nhiễm

Hồ Cầu Khoai hiện nay chỉ còn là một con lạch tiêu thoát nước sinh hoạt cho khu dân cư tổ dân phố Châu Phố, phường Sông Trí (TX Kỳ Anh) và thôn Xuân Thọ, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh). Theo quan sát của chúng tôi, nơi hẹp nhất khoảng 2m, nơi rộng nhất của lạch khoảng 10m. Nước chảy từ con lạch này qua cầu Mụ Lược, xuống xã Kỳ Thư rồi ra sông Vịnh.

dan lan dat chinh quyen tho o moi truong bi o nhiem

Những chiếc ống thoát thải được nối từ nhà của các hộ dân tổ dân phố Châu Phố cao hơn bề mặt của lạch trông rất phản cảm.

Theo ông Lê Văn Phâng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cũng như nhiều người dân ở thôn Xuân Thọ thì lòng hồ trước đây rất rộng, theo thời gian bị bồi đắp, bị dân lấn chiếm nên dần dần hẹp lại.

Chúng tôi đã có dịp mục sở thị, thấy nước sinh hoạt từ hàng chục nhà dân xả trực tiếp xuống lạch, tạo màu đen kịt, nhiều đoạn rác rưởi tấp đầy, cộng với bùn, bèo tây lâu ngày không được khơi thông đã gây ách tắc dòng chảy, gây mùi xú uế… Ông Dương Quang Điểu (81 tuổi, ở thôn Xuân Thọ), bức xúc: “Mùa hè thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; mùa mưa thì nước, rác thải, bùn thải, bèo tây làm tắc nghẽn gây ngập lụt, ô nhiễm… Đấy anh xem, vừa có một hộ lấn chiếm, cơi nới xây 2 phòng 2 tầng hẳn hoi, mà chả thấy ai động đến cả” - vừa nói, ông Điểu vừa chỉ tay về công trình 2 phòng 2 tầng của một hộ ở tổ dân phố Châu Phố vừa xây xong.

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân - Lê Văn Phâng và người dân thôn Xuân Thọ thì vấn đề này đã kéo dài từ nhiều năm. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân của tổ dân phố Châu Phố (trước đây khi chưa thành lập TX Kỳ Anh thì thuộc địa bàn thị trấn Kỳ Anh, nay là phường Sông Trí - TX Kỳ Anh) đã lấn chiếm trái phép lòng hồ và xả thải nước sinh hoạt, rác thải tùy tiện, gây ra tình trạng ứ đọng rác thải, tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường.

Chính quyền thiếu trách nhiệm

Có thể khẳng định rằng, để tình trạng trên kéo dài nhiều năm, ngoài nguyên nhân do ý thức, trách nhiệm của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp, tự ý lấn chiếm đất trái phép thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền thị trấn Kỳ Anh trước đây và phường Sông Trí hiện nay.

dan lan dat chinh quyen tho o moi truong bi o nhiem

Ngôi nhà 2 tầng vừa mới được cơi nới xây nối với ngôi nhà cũ của một hộ dân khối phố Châu Phố

“Năm 2014, khi chưa chia tách, thành lập thị xã, lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã làm việc với thị trấn Kỳ Anh và xã Kỳ Tân, yêu cầu 2 địa phương triển khai xây kè hai bên, song chỉ có chúng tôi thực hiện, còn thị trấn Kỳ Anh (nay là phường Sông Trí) đến giờ vẫn không xây kè, người dân vẫn tiếp tục lấn chiếm, cơi nới và xả nước xuống lạch gây ô nhiễm môi trường...” - Chủ tịch xã Kỳ Tân Lê Văn Phâng cho hay.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về tình trạng hiện nay ở lòng hồ Cầu Khoai, ông Nguyễn Anh Văn - Chủ tịch phường Sông Trí cho hay: “Chúng tôi đã tích cực vận động, nghiêm cấm người dân lấn chiếm, cơi nới, hiện nay, chuyện này đã chấm dứt…”. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra bằng chứng ở tổ dân phố Châu Phố có một gia đình (theo phản ánh của người dân là lấn chiếm, cơi nới) vừa mới nối vào ngôi nhà 2 tầng của mình 2 phòng còn chưa ráo vôi vữa, thì ông Văn chưng hửng. Sau một hồi ông mới gọi một cán bộ lên, nhưng vị này cũng ấp úng không nắm rõ.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, tháng 3/2017, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi, UBND huyện Kỳ Anh, UBND thị xã Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Tân để kiểm tra, tìm hướng xử lý, khắc phục tình trạng nêu trên và Sở TN&MT cũng đã gửi giấy mời UBND phường Sông Trí, nhưng đơn vị này không tham gia. Điều này một lần nữa chứng minh cho sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo phường trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực lòng hồ Cầu Khoai.

Bao giờ người dân Xuân Thọ mới hết cảnh sống chung với ô nhiễm? Bao giờ hết cảnh lấn chiếm lòng hồ Cầu Khoai? Thiết nghĩ, UBND thị xã Kỳ Anh cần sớm tích cực vào cuộc để trả lời dứt điểm những mong mỏi của người dân.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.