“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

(Baohatinh.vn) - Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Người từng nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2021)

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954) - Ảnh tư liệu Internet.

Trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949, Bác Hồ đặt câu hỏi: “Ai phụ trách dân vận” và Người khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận”.

Điều ấy có nghĩa là, tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Đây là đặc điểm nổi bật của công tác dân vận khi Đảng ta có chính quyền. Chính quyền của ta là công cụ chủ yếu của Nhân dân. Chính quyền không những chỉ phải làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện làm công tác dân vận thuận lợi hơn.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Bài báo Dân vận được Bác viết đăng trên báo Sự thật với bút danh X.Y.Z (Ảnh Internet).

Bác cho rằng Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì làm công tác dân vận mới thực sự có hiệu quả. Người từng nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy khi bàn về phẩm chất và phong cách người cán bộ dân vận Bác Hồ đã đúc kết thành 12 từ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Dân vận là chìa khóa để xã Đức Lĩnh khơi dậy đoàn kết toàn dân, xây dựng nhiều tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp". (Ảnh tư liệu tháng 7/2020).

Người luôn ý thức “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không có gì quý bằng dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Bởi vậy, Người thường nói: Ngoài lợi ích của giai cấp cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh.

Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Bác đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Cán bộ thôn Tân Phúc Thành 2 (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động nhân dân giải phóng mặt bằng. (Ảnh tư liệu).

Người chỉ ra rằng: Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là, bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành; khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng… Cách nói đó của Bác cũng chính là phương thức cơ bản của công tác dân vận “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được đúc kết sau này.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Sức mạnh khối đoàn kết toàn dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần giúp đời sống người dân xã Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh) khởi sắc. (Ảnh: Hoàng Long)

Trong giai đoạn hiện nay, nội dung, phương thức công tác dân vận của Đảng đã có những thay đổi, song tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận vẫn luôn còn nguyên ý nghĩa.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Người, các cấp ủy đảng Hà Tĩnh đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận sát với tình hình thực tiễn của địa phương trong từng thời điểm. Công tác dân vận của Đảng nói riêng và công tác dân vận của hệ thống chính trị nói chung đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm, nhưng các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội hướng đến chăm lo cuộc sống của nhân dân trong thời gian qua đã được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Công tác dân vận góp phần tích cực phòng, chống dịch COVID-19.

Những tháng đầu năm 2021, kinh tế phục hồi và tăng trưởng, một số chỉ tiêu quan trọng đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt những kết quả tích cực; đời sống của Nhân dân được quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động an sinh xã hội, nhất là xây nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và làm nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tập trung cao và đạt những kết quả đáng khích lệ... Các mô hình dân vận khéo tiếp tục phát huy hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy đảng được cũng cố, tăng cường.

Công tác dân vận là nhiệm vụ có tính chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Mục tiêu cốt lõi, cuối cùng của công tác dân vận là làm cho dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ. Thực hiện tốt mục tiêu đó, công tác dân vận sẽ góp phần quan trọng để tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...