Đến thời điểm hiện tại, việc Tổng thống Donald Trump thất bại trong kỳ bầu cử năm nay không còn là một khả năng hay một quan điểm nữa mà đã trở thành sự thật không thể thay đổi. Đối với đảng Dân chủ, đây là một kết thúc ưng ý sau bốn năm phải chịu đựng một nhân vật mà đảng này cho là không đủ khả năng lãnh đạo nước Mỹ. Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới nhiều thử thách khi ông Trump không còn trong Nhà Trắng và phải vạch ra hướng đi cho tương lai.
Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong một phiên làm việc tại Quốc hội hồi tháng 12-2017. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Nhiều yếu tố biến động
Trong một bài viết cho tờ The Hill về vấn đề trên, chiến lược gia đảng Cộng hòa Alex Conant, người từng hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ Marco Rubio năm 2016, nhận định: “Đây là câu hỏi lớn nhất của nền chính trị Mỹ bốn năm tới. Liệu đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục con đường mà Tổng thống Donald Trump đã vẽ ra hay quay về những giá trị bảo thủ truyền thống như trước đây”.
Dù vậy, ông Conant, giống như rất nhiều nhân vật trong đảng khác, cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi này vì đảng Cộng hòa đang phải đối mặt với một số yếu tố đầy biến động, có khả năng ảnh hưởng tới vị thế lâu dài của đảng.
Đầu tiên, về kết quả bầu cử, ông Trump là tổng thống đương nhiệm đầu tiên thất bại khi ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai kể từ thời tổng thống George H. W. Bush (nhiệm kỳ 1989-1993). Ông Trump thua đối thủ Joe Biden tới 6,1 triệu phiếu phổ thông và 74 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, phải nhìn nhận số 74 triệu phiếu phổ thông mà ông Trump nhận được cũng là mức cao nhất mà một tổng thống hoặc một ứng viên đảng Cộng hòa từng nhận được trong lịch sử nước Mỹ và vượt xa con số dự đoán từ các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.
Thứ hai, các chiến lược gia đảng Cộng hòa đang lo ngại về vị thế ngày càng suy yếu của đảng tại những vùng ngoại ô ở các bang, vì đây là những khu vực mà ông Trump thua nặng nhất dù trước đó cử tri ngoại ô hoàn toàn là sân nhà của đảng Cộng hòa. “Tôi nghĩ điều rút ra được từ cuộc bầu cử này là bất kỳ ai chiến thắng ở vùng ngoại ô cũng sẽ giành được Nhà Trắng trong tương lai gần. Chúng ta có một chính phủ chia rẽ bởi không có đảng nào giành được chiến thắng liên tục ở vùng ngoại ô và đó sẽ là thách thức cho đảng Cộng hòa trong một vài năm tới” - ông Conant đánh giá.
Bên cạnh đó, dù có lẽ sẽ bị xem là tổng thống gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ nhưng ông Trump cũng là tổng thống Cộng hòa được ủng hộ nhiều nhất với nền tảng cử tri vững chắc. Trong cuộc khảo sát từ ngày 15 đến 17-11 do tờ The Economist và công ty phân tích YouGov phối hợp thực hiện, có đến 91% cử tri Cộng hòa vẫn ủng hộ ông Trump, trong đó 88% cử tri tán thành cách điều hành đất nước của ông.
Cuối cùng, có nhiều ý kiến cho rằng ông Trump nhiều khả năng sẽ ra tranh cử lại vào năm 2024. Nếu ông Trump có thể làm nên lịch sử giành chiến thắng thì ông sẽ ở tuổi 78 trong lễ nhậm chức thứ hai - bằng tuổi ông Biden hiện nay. Thậm chí, ngay cả khi ông Trump quyết định sẽ không ra tranh cử lần hai thì ông vẫn có thể duy trì được ảnh hưởng trong đảng nhờ danh tiếng và những mối quan hệ của mình, qua đó tiếp tục trở thành tâm điểm trong dư luận Mỹ.
Theo hay không theo ông Trump?
Từ những yếu tố trên, chiến lược gia Alex Conant nhận định hướng đi sắp tới của đảng Cộng hòa sẽ phụ thuộc vào “mức độ ảnh hưởng của Tổng thống Trump khi ông không còn là người quyền lực nhất nước Mỹ”. Theo ông Conant, “chúng ta sẽ cùng chờ xem ông Trump nếu không còn đứng trên cương vị tổng thống có còn được cử tri ủng hộ nữa không”. Suốt thời gian tại nhiệm, ông Trump đã thay đổi đảng Cộng hòa theo nhiều cách khác nhau mà đảng này không dễ quay trở lại con đường như trước. Chủ nghĩa bảo hộ về thương mại, lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư, thái độ hoài nghi của ông về tính hiệu quả của các tổ chức đa phương hay các cuộc viễn chinh của quân đội Mỹ ở nước ngoài đã tạo nên những bước ngoặt đáng kể trong lối suy nghĩ của đảng Cộng hòa. Tất cả tư tưởng đều được hầu hết những cử tri Cộng hòa đón nhận một cách tích cực, góp phần lý giải việc tại sao đảng Cộng hòa đã có màn thể hiện tốt hơn mong đợi trong cuộc đua vào Thượng viện và Hạ viện năm nay.
Lần đầu trả lời phỏng vấn sau bầu cử, ông Trump nói gì? Ngày 29-11, trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên (với đài Fox News ) kể từ sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3-11, ông Trump khẳng định sẽ không từ bỏ các nỗ lực pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử, theo hãng tin Sputnik . Ông Trump tiếp tục đưa ra các cáo buộc rằng đối thủ Biden cùng đảng Dân chủ đã “đánh cắp” cuộc bầu cử của ông như thế nào. Ông khẳng định mình có thể chứng minh được các máy kiểm phiếu tại nhiều bang đã giúp đảng Dân chủ gian lận phiếu bầu. Ông Trump lập luận việc ông Biden có đến 80 triệu phiếu bầu phổ thông, nhiều hơn cả lúc ông Barack Obama đắc cử năm 2008 (được hơn 69 triệu phiếu phổ thông), là điều rất khó tin. Nhà lãnh đạo này còn lặp lại những chỉ trích về việc truyền thông đưa tin thiên lệch về các vụ kiện tụng của ông: “Chúng ta không có tự do báo chí ở đất nước này vì những đơn vị truyền thông đưa tin quá thiếu công bằng. Làm sao những diễn biến gây tranh cãi có thể xảy ra nếu không ai đưa tin về nó. Truyền thông Mỹ cứ cho rằng chúng tôi không có bằng chứng chứng minh đảng Dân chủ phạm tội nhưng chúng tôi có rất nhiều”. Tuy nhiên, tới lúc này ông Trump cũng không nói rõ bằng chứng ông đang đề cập là gì. |
“Những thay đổi mà ông Trump đem lại cho đảng Cộng hòa về cơ bản là tích cực” - theo ông Brad Blakeman, người từng là một nhân viên cấp cao dưới thời tổng thống George W. Bush. Ông Blakeman thừa nhận rằng tính cách cá nhân mạnh mẽ của Tổng thống Trump góp phần làm thay đổi thái độ của cử tri.
Một điều chắc chắn là tư tưởng của Tổng thống Trump sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lên đảng Cộng hòa trong một thời gian dài sắp tới. Bước tiếp theo của đảng Cộng hòa có thể sẽ là tiếp tục những chương trình nghị sự giống với tư tưởng trước đây của ông Trump, song được thể hiện một cách thuyết phục hơn.
Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại đảng Cộng hòa truyền thống nữa bởi chủ nghĩa dân túy đã phát triển ở Mỹ. Mọi người đã không còn chỉ yêu thích những chính trị gia theo chuẩn mực và cứng nhắc nữa. Họ muốn một hiện tượng mới lạ, đột phá như ông Trump đã làm vào năm 2016.
Dĩ nhiên là những tính toán trên có thể sẽ thay đổi tùy theo ai sẽ là ứng viên đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào năm 2024 nếu ông Trump không ra tranh cử. Theo ông Blakeman, hiện các gương mặt tiềm năng để đại diện đảng cho năm 2024 là thượng nghị sĩ Tom Cotton, người được đánh giá là “kế thừa” tư tưởng của ông Trump song không có những thói quen gây tranh cãi như ông. Bên cạnh đó, cựu thống đốc bang South Carolina, bà Nikki Haley, người từng là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Trump, cũng có thể sẽ thu hút cả những người ủng hộ Tổng thống Trump và những người theo quan điểm truyền thống hơn trong đảng Cộng hòa.