Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Junaid Hussain, tin tặc trẻ người Anh, nhanh chóng trở thành thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất IS trong mắt cơ quan an ninh Mỹ vì khả năng tác động khổng lồ trên mạng.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Junaid Hussain vốn dĩ muốn trở thành một rapper. Nhưng cuối cùng, đứa trẻ gốc Pakistan ở Birmingham, Anh, lại chọn sống cuộc đời trên Internet và sống với tốc độ của Internet.

Chỉ trong vòng một thập niên, từ năm 11-21 tuổi, Hussain từ một game thủ đã trở thành tin tặc rồi leo lên vị trí thủ lĩnh quan trọng bậc nhất của khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong nửa đầu cuộc đời kỹ thuật số của mình, với sự háo thắng của tuổi trẻ, tin tặc này luôn ung dung tự đắc rằng pháp luật không thể đụng đến y. Thậm chí y còn liên hệ trả lời phỏng vấn trong một bài báo, khẳng định luôn đi trước cơ quan chức năng nhiều bước.

“100 % họ không có manh mối gì về tôi. Tôi không tồn tại đối với họ. Tôi không bao giờ sử dụng thông tin thật trên mạng. Tôi chưa bao giờ mua gì trên mạng. Danh tính thật của tôi không tồn tại trên không gian ảo. Và tôi không sợ bị bắt”, y trả lời Telegraph năm 2012.

Chỉ trong vòng 3 năm sau, ở tuổi 21, Hussain nằm trong danh sách những tội phạm bị quân đội Mỹ săn lùng ráo riết nhất. Trở thành thủ lĩnh số 3 của IS, phụ trách hoạt động tuyên truyền và tuyển mộ trên mạng, cuộc đời của Hussain trở thành cuộc trốn chạy không ngừng trước lực lượng quân sự lớn nhất thế giới mà hồi kết chính là cái chết của y.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Hussain là mối đe dọa trên không gian ảo mà giới an ninh Mỹ từ lâu lo sợ: tên khủng bố bậc thầy về công nghệ, có khả năng sử dụng những công cụ của kỷ nguyên kỹ thuật số để mở rộng mạng lưới khủng bố vượt qua những ngăn cách về địa lý. Gần như mỗi tuần trong năm 2015, bộ Tư pháp Mỹ lại phát hiện thêm một âm mưu tấn công nước Mỹ có dấu ấn của Junaid Hussain. Nguồn lực của Cục Điều tra Liên bang (FBI) gần như cạn kiệt khi phải cùng lúc theo dõi và truy tìm nhiều nghi phạm khủng bố cùng lúc.

“Bên trong chính phủ, chuông báo động rung gần như mỗi ngày, nhưng chúng tôi cố nói tránh về mối đe dọa trước công chúng”, John Carlin, cựu trợ lý an ninh quốc gia cho bộ trưởng tư pháp Mỹ, kể lại.

“Chúng tôi không muốn nâng tầm Hussain thành nhân vật tầm cỡ toàn cầu như Osama bin Laden, biến hắn thành người đại diện cho chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo lệch lạc. Chúng tôi không dám nói công khai về hắn cho đến khi biết hắn đã chết”, ông viết trên Politico.

Con đường trở thành khủng bố của Hussain khởi đầu với một động cơ vô cùng đơn giản: báo thù.

Trong bài phỏng vấn trên Telegraph năm 2012, Hussain – khi đó nổi tiếng trên cộng đồng tin tặc với tên gọi TriCk – khoe bắt đầu tấn công các trang mạng từ năm 11 tuổi, sau khi bị một tin tặc khác “đánh” rớt mạng khi đang chơi game online.

“Tôi muốn trả thù nên bắt đầu google cách hack. Tôi còn tham gia một số diễn đàn hacker trên mạng, đọc các bản hướng dẫn, bắt đầu một số lập trình xã hội đơn giản rồi nâng cấp độ lên. Tôi cuối cùng đã không thể trả thù, nhưng vẫn trở thành một trong những tin tặc bị ghét nhất trong game online đó”, TriCk kể lại với Telegraph.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Hai năm sau, tin tặc tuổi teen cảm thấy trò chơi điện tử quá trẻ con và bắt đầu tìm kiếm những thử thách mới cho mình. Đến năm 15 tuổi, Hussain rẽ sang con đường “chính trị”. Cậu thanh niên ở Birmingham chìm vào thế giới của những xung đột ở Kashmir và Pakistan, xem hết video này đến video khác về các nạn nhân của các vụ xung đột, nghiện đọc những thuyết âm mưu trên các trang mạng theo xu hướng Freemasons và Illuminati.

Hussain cùng 7 người bạn lập một nhóm tin tặc với tên gọi “TeaMpoisonN” – Đội chất độc. Nhóm trở nên nổi tiếng từ năm 2011 với thương hiệu hoạt động chính trị đặc trưng như: thay đổi giao diện các trang mạng thường với những thông điệp ủng hộ Palestine; hay tấn công các trang mạng nổi tiếng như của hãng điện thoại BlackBerry, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các chính khách. Nhóm còn xâm nhập hộp thư của trợ lý cựu thủ tướng Tony Blair và tung danh bạ của cựu lãnh đạo chính phủ Anh lên mạng.

Hussain còn công kích nhóm tin tặc Anonymous quá “hiền”, với những hoạt động trên mạng tương tự như “biểu tình hòa bình và cắm trại ngoài đường phố”. Tin tặc trẻ tuổi khẳng định TeaMpoisonN đang phát động “chiến tranh du kích trên internet”. Trong bài phỏng vấn tháng 4/2012 với Telegraph, Hussain – khi đó chỉ được biết đến bằng mật danh TriCk – tuyên bố: “Tôi không sợ chính quyền hay bất kỳ ai. Cuộc đời tôi là dành để cống hiến cho lý tưởng của mình”.

Tuy nhiên, Hussain không nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật lâu như y nghĩ. Chỉ 5 tháng sau bài báo khoe khoang về bản thân, Hussain bị cảnh sát Anh bắt giữ và lãnh 6 tháng tù vì vụ tấn công mạng nhắm vào cựu thủ tướng Blair. TeaMpoisoN tan rã, còn sự giận dữ của Hussain đối với xã hội và chính quyền phương Tây càng sâu thêm. Sau khi được thả tự do, Hussain lên đường sang Syria, cưới một công dân Anh khác ủng hộ Hồi giáo cực đoan là Sarah Jones và đứng vào hàng ngũ của IS.

Juanid Hussain trở thành Abu Hussain al-Britani. Tài khoản trên mạng xã hội Twitter dùng ảnh đại diện trong trang phục chiến binh thánh chiến, trùm mặt nạ che nửa mặt, cầm khẩu AK-47 nhắm thẳng vào ống kính máy ghi hình. Tin tặc trẻ tuổi dùng hết mọi kiến thức của mình về văn hóa mạng và kỹ thuật số để xây dựng các công cụ tuyên truyền và tuyển mộ cho IS, mạng lưới từng được nhà báo phương Tây mô tả là “phiên bản kinh dị của hẹn hò trên mạng”.

Hussain nhanh chóng khẳng định tên tuổi là thủ lĩnh cuộc chiến tuyên truyền của “Nhà nước Hồi giáo” trên thế giới ảo, thu hút những người trẻ tuổi có lòng thù hằn và bất mãn như y tham gia vào chiến trường khủng bố toàn cầu. Cốt lõi những lời kêu gọi của Hussain không mới, nhưng hắn và các cộng sự của IS đã thực hiện thành công chiến thuật ở một cấp độ giới an ninh Mỹ chưa từng thấy.

Những điều này biến Hussain thành kiểu khủng bố nguy hiểm nhất nước Mỹ từng đối mặt – thủ lĩnh của thế giới thánh chiến trên mạng.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Sự rộng mở, tiện lợi và phạm vi phủ sóng toàn cầu biến Internet trở thành công cụ hữu hiệu để chủ nghĩa cực đoan phát triển với tốc độ chóng mặt.

Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã lo sợ phải đối diện với một cuộc tấn công hỗn hợp. Trong kịch bản này, các phần tử cực đoan có thể đồng loạt tổ chức khủng bố ngoài thế giới thực và khai thác các điểm yếu của cơ sở hạ tầng trên mạng, khiến nỗi sợ hãi trong xã hội tăng theo cấp số nhân, khuếch đại mức độ ảnh hưởng.

Ngay cả những tổ chức khủng bố cũng nhận thấy rõ các mục tiêu mới. Al Qaeda từng công bố một đoạn video so sánh những điểm yếu an ninh mạng của Mỹ với các sơ hở về an ninh hàng không trước vụ khủng bố 11/9.

Khủng bố trên mạng cũng mở ra bước ngoặc mới với giới an ninh Mỹ. Chưa bao giờ siêu cường này đối diện một cuộc xung đột mà kẻ thủ có thể liên lạc xuyên đại dương với người dân Mỹ. Sự ra đời của mạng xã hội Twitter vào năm 2007 càng khiến vấn đề này thêm nguy cấp.

Mối đe dọa từ Al Qaeda cũng biến đổi theo thời gian. Sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo phương Tây, các chiến dịch trên bộ không ngừng nghỉ của Mỹ và đồng minh NATO, cùng các công cụ chế tài quốc tế mà chính phủ Mỹ sử dụng đã khiến tổ chức khủng bố này bị thu hẹp đáng kể khả năng tổ chức và chỉ đạo các âm mưu khủng bố từ xa. Chính vì vậy, “nòng cốt” của Al Qaeda cho phép các chi nhánh của mình hoạt động tự do, chẳng hạn như tổ chức Al Qaeda tại Bán đảo Arab (AQAP) hay Al Qaeda tại Iraq – tiền thân của IS.

Chính những tổ chức khủng bố thế hệ mới này đã đưa các hoạt động trên không gian ảo của Al Qaeda lên một cấp độ mới, sử dụng Internet để biến phong trào thánh chiến trở thành mối đe dọa toàn cầu thực thụ, vượt ra khỏi khuôn khổ các chiến trường Afghanistan, Iraq hay Syria.

Các hoạt động tuyên truyền ban đầu của Al Qaeda chủ động tránh mô tả phương diện bạo lực của thánh chiến toàn cầu. Thế hệ của Osama bin Laden xem đây là cuộc chiến dành “trái tim và khối óc” của các tín đồ, dành chiến thắng bằng lý tưởng chứ không phải những hình ảnh man rợ.

Khi thủ lĩnh chi nhánh Al Qaeda ở Iraq, Abu Musab al-Zarqawi, bắt đầu cho phát tán các hình ảnh chặt đầu con tin và tù binh trên mạng vào giữa thập niên 2000, trợ lý thân cận của Osama bin Laden là Ayman al-Zawahiri đã viết thư cảnh báo nhóm này hạn chế các hình ảnh man rợ.

“Tôi muốn nói với các anh em rằng: chúng ta đang ở trong một cuộc chiến mà một nửa của nó là chiến trường truyền thông. Chúng ta đang trong cuộc chiến truyền thông giành trái tim và khối óc của những tín hữu. Cộng đồng Hồi giáo yêu mến và ủng hộ các anh em sẽ không bao giờ nuốt nổi hình ảnh hành quyết con tin”, Zawahiri viết.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Sự tiếp cận khác nhau này cho thấy khoảng cách thế hệ giữa các nhóm khủng bố, giữa các thủ lĩnh già của Al Qaeda như Osama bin Laden và Zawahiri với thế hệ thủ lĩnh mới am hiểu hơn về công nghệ và sức mạnh của hình ảnh. Không mất nhiều thời gian để thế hệ mới chiếm vai trò quan trọng trong các hoạt động của Al Qaeda. Năm 2007, một tin tặc tuổi teen người Anh với mật danh Irhabi 007 đã nổi lên thành đầu não trên không gian ảo của tổ chức khủng bố, thủ lĩnh hàng loạt các diễn đàn thánh chiến bảo mật.

Nhiều thủ lĩnh thánh chiến bắt đầu áp dụng các chiến thuật truyền thông mới, tạo nội dung trực quan trên mạng, tự nhận các vai trò như người phát ngôn của tổ chức khủng bố. Điển hình là Adam Gadahn, một phần tử cực đoan người Mỹ với mật danh Azzam, nổi tiếng với các đoạn video giải thích lý tưởng của thánh chiến kèm theo phụ đề tiếng Anh, đảm bảo các nội dung của mình tiếp cận được nhiều người xem.

Mô hình này nhanh chóng nhân rộng, lan đến các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Chechnya và Đông Phi. Nhóm khủng bố al-Shabaab xuất hiện thủ lĩnh mới tên Omar Hammami, một công dân Mỹ 20 tuổi, thường xuyên tham gia các đoạn video phổ biến hoạt động của nhóm.

Nổi bật nhất trong thế hệ các thủ lĩnh truyền thông khủng bố đời mới là Anwar al-Awlaki, cựu giáo sĩ Hồi giáo tại Mỹ. Người này xây dựng cho mình mạng lưới truyền thông giảng dạy về chủ nghĩa thánh chiến, phát hành cả đĩa CD các bài giảng của mình trên các trang bán hàng và nhà sách Hồi giáo.

Awlaki lẩn trốn tại Yemen, trở thành gương mặt đại diện cho AQAP, chi nhánh hoạt động hiệu quả và nguy hiểm nhất của Al Qaeda. Hắn còn phối hợp với một phần tử cực đoan người Mỹ khác tên là Samir Khan, giúp AQAP mở rộng nhóm khán giả, xây dựng các ấn phẩm truyền thông trong đó có cả tạp chí trên mạng. Chiến thuật này nhằm kích động chủ nghĩa cực đoan ở những nơi nằm ngoài bán đảo Arab mà không chịu rủi ro di chuyển.

Awlaki và Khan phát động cái gọi là “Thánh chiến Nguồn Mở” - kêu gọi những phần tử mộ đạo tiến hành các cuộc tấn công ngay tại nơi đang sống, biến xe tải thành “cái chết di động” và chế tạo bom trong nhà bếp của mình.

Đến cuối thập niên 2000, dấu ấn của Awlaki xuất hiện trong mọi âm mưu khủng bố quy mô lớn tại Mỹ, trong đó bao gồm vụ tấn công tại Pháo đài Dix năm 2007, vụ xả súng ở phòng tuyển quân Little Rock năm 2009, và vụ đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010. Tất cả những kẻ tấn công đều đăng ký nhận các thông điệp trên mạng từ Awlaki dù chưa bao giờ gặp thủ lĩnh khủng bố.

Sau khi Awlaki thiệt mạng trong vụ không kích vào tháng 9/2011, “đứa con” khác của Al Qaeda là tổ chức IS đã nổi lên chiếm sóng trên không gian mạng.

Sau khi tách ra hoạt động riêng, các thủ lĩnh IS tìm cách tăng cường đáng kể các hoạt động truyền thông của nhóm mà đặc biệt là mạng xã hội Twitter. Khi các đoàn xe của nhóm này tiến đến Baghdad năm 2014, mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh cờ đen bay phấp phới trên bầu trời thủ đô Iraq. Các phần tử khủng bố đăng gần 40.000 nội dung trên Twitter chỉ trong 1 ngày.

Những đoạn video của IS trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong các buổi họp của FBI và đơn vị chống khủng bố của bộ Tư pháp Mỹ. Bộ phận tuyên truyền tinh vi và được đầu tư mạnh tay của IS hiểu rõ cách thức thu hút sự chú ý của dư luận. Họ đăng tải hình ảnh các vụ hành quyết đẫm máu binh sĩ Syria, con tin và bất kỳ ai dám ngáng đường IS.

Sự man rợ của nhóm khủng bố này không giống bất kỳ điều gì thế giới từng chứng kiến. Mặc dù những hình ảnh đẫm máu là một phần của chiến tranh, những bên tham chiến thường tìm cách che giấu đi bí mật đen tối này.

Trong khi đó, IS khuếch đại sự man rợ của mình trên mạng xã hội, công phu ghi hình các vụ thảm sát hàng loạt bằng nhiều góc quay, buộc những kẻ hành quyết đọc đúng lời thoại viết sẵn. Các sản phẩm truyền thông phải “hoàn hảo” để đe dọa đối thủ, tạo hình ảnh quyền lực cho IS.

Trong khi Al Qaeda “nguyên thủy” tập trung vào hình ảnh của thủ lĩnh Osama bin Laden, còn những bài giảng của Awlaki nhắm vào lý tưởng của thánh chiến Hồi giáo, các hậu bối IS của họ lại đẩy mạnh hình ảnh cá nhân các chiến binh, biến cuộc thánh chiến không còn là chiến dịch tôn giáo mà là cơ hội để phiêu lưu, để các phần tử ủng hộ họ bước từ những trò chơi điện tử sang chiến trường thật.

Một nghiên cứu của đại học George Washington cho thấy có gần 1.300 video của IS lấy cảm hứng từ các trò chơi điện tử Mỹ như Call of Duty hay Grand Theft Auto.

Tuy nhiên, những đoạn video mang dáng dấp ác mộng này chỉ là phần nhỏ trong chiến dịch truyền thông khổng lồ của IS. Nhiều đoạn video không được lan tỏa trên truyền thông đại chúng cho thấy IS muốn các phần tử thánh chiến nghĩ đến vùng lãnh thổ họ kiểm soát như một “thiên đàng giữa hạ giới”.

Một nửa số nội dung lan truyền trên mạng đề cập IS muốn xây dựng thế giới lý tưởng ở Trung Đông, với hình ảnh các chiến binh tận hưởng cuộc sống bình yên và tươi cười. Bộ phận truyền thông của IS đầu tư đến mức họ lựa chọn các hình ảnh phù hợp với từng “thị trường”, như video lan truyền ở Mỹ sử dụng kẹo mút và kẹo bông gòn, còn ở châu Âu sử dụng hình ảnh của Nutella.

IS xem chiến dịch truyền thông là công cụ để giao tiếp với các đối tượng ủng hộ thánh chiến, Những người sử dụng mạng xã hội muốn tham gia IS có thể liên hệ với các tài khoản tuyển mộ trên mạng xã hội và diễn đàn tực tuyến. Từ đó, đối thoại sẽ được chuyển sang các nền tảng được mã hóa và bảo mật như ứng dụng tin nhắn Signal, Telegram hay WhatsApp. Có thời điểm, nhóm khủng bố còn lập trình ứng dụng nhắn tin của riêng mình là Amaq Agency.

“Điều này cho thấy khái niệm "sói đơn độc" không thật sự tồn tại”, John Clarin nhận định.

“Không có người bình thường nào bỗng một ngày thức giấc, đọc một dòng trạng thái trên Twitter và quyết định giết hại người Mỹ. Cực đoan hóa không chỉ có một con đường. Mạng không phải là liều tiên dược cực đoan hóa. Nó là một quá trình mà trong đó những hoạt động tuyên truyền và đối thoại trên mạng xóa nhòa dân các rào cản và thách thức trong việc tuyển mộ khủng bố từ xa”.

“Giờ đây, khủng bố nước ngoài đã có thể liên lạc trực tiếp, riêng tư và liên tục với trẻ em Mỹ ngay trong nhà của người Mỹ”, Clarin nhấn mạnh.

Chủ nghĩa cực đoan trên mạng cũng loại bỏ các công cụ truyền thống mà giới an ninh Mỹ sử dụng để ngăn chặn khủng bố. Các cơ quan an ninh không thể tiếp tục phát hiện hiệu quả các dấu hiệu ngoài đời thực như đường di chuyển của nghi phạm tại Pakistan, Afghanistan, Yemen hay các thiên đường khủng bố khác. Cơ quan điều tra không thể trông chờ vào việc dò tìm các khoản tiền được chuyển từ nước ngoài vào Mỹ, hay cách các đối tượng khủng bố tìm mua những nguyên liệu hiếm để chế tạo vũ khí.

Chiến thuật mới của IS tránh được toàn bộ hệ thống báo động nói trên. Bằng cách kích động các phần tử cực đoan tiến hành khủng bố trên “sân nhà”, việc phát hiện các hành vi khả nghi gần như bất khả thi đối với chính phủ Mỹ và các nước châu Âu. Các nhóm khủng bố không cần đến đầu tư, thời gian hay tiền bạc, và cũng không cần quan tâm tỉ lệ cực đoan hóa thành công là 1/10 người hay 1/100 người mà chúng tiếp cận.

“Đó là những kẻ cực đoan nội địa mà nước Mỹ cần lo sợ. Chúng có thể tiếp cận mọi loại độc dược cần có, học mọi loại huấn luyện cần thiết để giết người Mỹ mà chúng ta khó lòng phát hiện ra”, Giám đốc FBI James Comey phát biểu trước Hạ viện Mỹ năm 2014.

Đó là lúc mà nước Mỹ bắt đầu nghe đến cái tên Juanid Hussain.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Hussain nắm trong tay hàng chục nhân sự hỗ trợ tuyển bộ chiến binh thánh chiến trên mạng. Hắn cùng các cộng sự tự nhận là lãnh đạo của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo trên mạng” vào giữa năm 2014, vận dụng một số chiến thuật của nhóm TeaMpoisoN cho IS. Nỗ lực của Twitter nhằm xóa bỏ sự hiện diện của Hussain trên nền tảng mạng xã hội này không khác gì trò chơi mèo bắt chuột. Cứ xóa một tài khoản của Hussain, hắn lại xuất hiện với một tài khoản khác.

Trên mạng, tin tặc này đưa ra những thách thức như cờ đen IS sẽ bay trên nóc Nhà Trắng hay kêu gọi các phần tử cực đoan nhắm đến người Israel. Tháng 2/2015, nhóm tin tặc IS xâm nhập vào một tài khoản của tạp chí Newsweek và nhiều trang mạng khác, gửi đi thông điệp dọa giết Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Nhóm còn kích động tấn công tự phát bên ngoài phạm vi Trung Đông, đăng danh sách tử thần gồm thông tin 100 sĩ quan không quân Mỹ vào tháng 3/2015.

Hussain duy trì liên lạc với hàng chục người ủng hộ IS thông qua tài khoản trên Twitter. Những thông điệp trên mạng xã hội của hắn châm ngòi một loạt vụ tấn công và âm mưu khủng bố trong năm 2015 trên đất Mỹ, đẩy FBI vào tình trạng quá tải trong cuộc săn lùng IS ngay trên sân nhà.

Theo Los Angeles Times, Hussain “liên lạc với ít nhất 9 phần tử khủng bố đã bị giới chức Mỹ bắt giữ hoặc triệt hạ”. Sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng đến mức FBI phải rút đặc vụ từ các đội hình sự sang hỗ trợ giám sát hoạt động khủng bố. Đối với những người đứng ở tiền tuyến chống khủng bố, đây được xem là giai đoạn đen tối nhất kể từ sau thảm kịch 11/9.

Giới tình báo Mỹ thường nói về mối đe dọa khủng bố với khái niệm “từ cháy đến nổ”, chỉ thời gian từ khi các nghi phạm được cực đoan hóa dẫn đến ý muốn tấn công, đến khi vụ tấn công xảy ra. Với chiến thuật kích động bằng mạng xã hội, IS biến khủng bố nội địa thành cuộc khủng hoảng toàn nước Mỹ với những hệ quả vượt ngoài mọi khả năng dự báo. Cơ quan an ninh không thể xác định được khu vực địa lý cần tập trung. Thậm chí các thành phần bị cực đoan hóa chưa chắc đã là người mộ đạo Hồi giáo.

Trong suốt năm 2015, FBI và bộ Tư pháp Mỹ đối mặt với hàng chục trường hợp nghi phạm khủng bố là người trẻ, có thời gian “từ cháy đến nổ” là rất ngắn và khó dự đoán. Những trường hợp này mang tính nhỏ lẻ, không có dữ liệu di chuyển đến các vùng khả nghi để theo dõi. Sợi chỉ của IS xuyên qua mọi rào cảng về địa lý và sắc tộc.

Có thời điểm, gần 35 văn phòng công tố quận đồng loạt theo đuổi các vụ tình nghi khủng bố. Một nửa số nghi phạm dưới 25 tuổi và 1/3 trong số đó dưới 21 tuổi. IS nhắm đến con cái của người dân Mỹ. Nhiều vụ có nghi phạm còn là trẻ em, buộc Bộ Tư pháp Mỹ ra các chỉ đạo đặc biệt về đối phó với khủng bố dưới vị thành niên – một điều chưa từng xảy ra kể từ khi cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Tháng 4/2015, Hussain kích động một phần tử 30 tuổi tại Arizona là Elton Simpson tiến hành thánh chiến tại Mỹ. Tài liệu của tòa án cho biết hai người trao đổi qua một ứng dụng nhắn tin mã hóa là Surespot. Đầu tháng 5, Simpson cùng bạn là Nadir Soofi chạy xe đến Garland, Texas, tấn công một sự kiện trưng bày tranh vẽ mỉa mai tiên tri Muhammad.

Thủ lĩnh tuyên truyền của IS biết rõ vụ tấn công sẽ xảy ra khi nào. Chỉ 1 tiếng trước khi Soofi và Simpson nổ súng, tài khoản của Hussain đăng dòng tweet: “Dao đã được mài bén. Sớm thôi, chúng tôi sẽ đổ bộ lên đường phố của các người cùng cái chết”.

Trong vụ khủng bố khác, Hussain chiêu mộ thanh niên 21 tuổi Munir Abdulkader tại Cincinnati âm mưu bắt cóc và chặt đầu một quân nhân Mỹ ở Ohio. Hắn còn đưa cho Abdulkader địa chỉ nhà của mục tiêu và gợi ý nghi phạm xả súng ở đồn cảnh sát. Los Angeles Times sau đó tiết lộ, FBI đã mất dấu những đối thoại giữa Hussain và Abdulkader khi hai người này chuyển từ Twitter sang ứng dụng nhắn tin mã hóa, buộc phải dùng một nguồn tin mật để suy đoán thời gian và địa điểm âm mưu tấn công diễn ra.

Sức ảnh hưởng của Hussain len lỏi mọi ngóc ngách ở Mỹ. Tháng 6/2015, một đặc vụ FBI cùng cộng sự là cảnh sát Boston chạm trán nghi phạm khủng bố khác là Usaamah Abdullah Rahim, 26 tuổi, tại bãi gửi xe một cửa hàng tiện lợi. Hussain đã khuyến khích Rahim thực hiện vụ tấn công thứ 2 tại Texas, nhưng nghi phạm đã mất kiên nhẫn và quyết định nhắm vào lực lượng chấp pháp ở địa phương.

Cùng tháng, FBI bắt giữ thêm Justin Nojan Sullivan, một cư dân ở Bắc Carolina, hứa với Hussain sẽ thực hiện một vụ xả súng trên danh nghĩa của IS. Khi các điều tra viên xâm nhập và đọc các trao đổi giữa hai người, họ phát hiện Sullivan khoe “sắp thực hiện chiến dịch đầu tiên của IS tại Bắc Mỹ”. Hussain nhanh chóng yêu cầu cộng sự chuẩn bị nội dung để hắn tuyên truyền: “Quay video trước được không?”

Làn sóng khủng bố nội địa khiến các cơ quan an ninh choáng váng. FBI và Bộ Tư pháp Mỹ không có đủ nguồn lực để đối phó với những âm mưu khủng bố được kích động và hoạch định trên mạng xã hội. Theo nghiên cứu của đại học George Washington, từ năm 2014 đến đầu năm 2017, có tổng cộng 117 nghi phạm liên quan đến IS bị bắt giữ tại Mỹ. Hơn 1/2 số này được cơ quan chức năng ngăn chặn vào năm 2015.

“Chúng tôi như thể phải ngồi chờ vụ khủng bố kế tiếp xảy ra. Nhiều lần, dường như chỉ có sự may mắn mới cứu được chúng tôi - khi một nghi phạm khủng bố lỡ miệng tiết lộ với một người nào đó hoặc thiết bị của hắn gặp trục trặc”, John Clarin cho biết.

Lực lượng chấp pháp tại Mỹ buộc phải yêu cầu Lầu Năm Góc vào cuộc, tập trung vào chiến dịch săn lùng Hussain và phá hủy mạng lưới tuyển mộ của hắn. Hussain đã không còn đơn thuần là một người tuyển mộ chiến binh cho IS. Hắn trở thành một nhân vật có khả năng tổ chức, chỉ đạo những vụ tấn công ngay trên đất Mỹ.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

Mùa hè năm 2015 đánh dấu vụ án khủng bố đáng báo động nhất mà các cơ quan an ninh Mỹ từng gặp: sự kết hợp nguy hiểm giữa tội phạm mạng và khủng bố hé lộ gương mặt mới của cuộc chiến khủng bố toàn cầu.

Tháng 8/2015, Hussain đăng tải hàng loạt dòng trạng thái trên Twitter, tuyên bố các chiến binh của IS sẽ tấn công vào yết hầu nước Mỹ ngay trên đất Mỹ. Hắn đăng kèm một danh sách gồm 30 trang khẳng định bộ phận tin tặc của IS đã xâm nhập vào chính phủ và quân đội Mỹ.

“Chúng ta đã xâm nhập vào email và hệ thống máy tính của các người, theo dõi và ghi lại nhất cử nhất động, thu thập tên tuổi và địa chỉ từng người”, Hussain khẳng định. “Chúng ta đang trích xuất dữ liệu mật và chuyển thông tin cá nhân của các người đến những chiến binh của nhà nước Hồi giáo, những chiến binh sẽ sớm nhận được mệnh lệnh của Allah cắt cổ các người ngay trên sân nhà”.

Trong tài liệu mà Hussain phát tán là tên tuổi cùng địa chỉ của 1.315 quân nhân Mỹ và nhân viên chính phủ, cùng 3 trang tên tuổi và địa chỉ của các nhân viên liên bang. Hắn còn tiết lộ nhiều đoạn hội thoại trên Facebook của các quân nhân Mỹ.

Những tuyên bố của nhân vật quyền lực số 3 IS khiến chính phủ báo động, mở chiến dịch truy tìm nguồn thông tin bị rò rỉ và bảo vệ tính mạng của những quân nhân cùng nhân viên chính phủ lộ mặt. Quá trình điều tra sau đó phát hiện một âm mưu khủng bố mang tính chất toàn cầu mà Hussain đạo diễn.

Manh mối đầu tiên xuất hiện khoảng một tuần sau tuyên bố của Hussain, khi một trang mạng bán lẻ của Mỹ ở Illinois nhận thư điện tử nặc danh từ địa chỉ khs-crews@live.com. Người viết tự nhận là “tin tặc Albania” cảnh báo quản trị viên trang mạng không được xóa các mã độc mà hắn đã cài vào server hoặc sẽ công khai tài khoản toàn bộ khách hàng. Tin tặc này sau đó đòi khoản tiền chuộc 500 USD.

Sau khi được doanh nghiệp trình báo về vụ việc, FBI cho truy lùng và định vị hộp thư của tin tặc có nguồn gốc từ Malaysia.

Chân dung thủ phạm dần lộ diện. Hắn được xác định là Ardit Ferizi, gốc Albania, sinh tại Gjakova, Kosovo. Khi còn là thiếu niên, Ferizi tự lập một nhóm tin tặc là Kosova Hacker’s Security (KHS), ủng hộ Hồi giáo và sắc tộc Albania, nhắm vào các công ty phương Tây như IBM và Hotmail.

Đầu năm 2015, Ferizi đến Malaysia nghiên cứu khoa học máy tính tại Đại học Limkokwing, nhưng thực chất là muốn lợi dụng mạng lưới Internet băng thông rộng của nước sở tại cho các vụ tấn công mạng. Ferizi bắt đầu hỗ trợ IS và liên lạc với Hussain.

Đến tháng 6, Ferizi xâm nhập vào máy chủ đặt tại Arizona của công ty bán hàng trên mạng nói trên, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của hơn 100.000 khách hàng. Hắn lùng sục trong kho dữ liệu để lọc ra những địa chỉ email có đuôi .gov (nhân viên liên bang Mỹ) và .mil (quân đội Mỹ), lập ra danh sách 1.351 nhân sự chính phủ rồi gửi cho IS. Đây chính là nền tảng cho danh sách tử thần mà Hussain tung lên mạng vào tháng 8.

Từ âm mưu tấn công mạng và tống tiền, Hussain đã đạo diễn thành chiến dịch khủng bố và ám sát công dân Mỹ.

Đến tháng 9/2015, cảnh sát Malaysia bắt giữ thành công Ferizi và tịch thu các công cụ của hắn dùng trong vụ tấn công mạng. Tại tòa án Mỹ, tin tặc này nhận mức án 20 năm tù giam.

Juanid Hussan cũng đối diện công lý sau khi Lầu Năm Góc chính thức vào cuộc và chỉ vài tuần trước khi cảnh sát Mỹ và Malaysia bắt giữ Ferezi.

Sau khi phát hiện Hussain rời một tiệm Internet ở Syria một mình vào ngày 24/8/2015, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (USCENCOM) duyệt lệnh cho máy bay không người lái phóng tên lửa Hellfire vào xe ôtô của tin tặc này khi hắn dừng tại trạm xăng ở Raqqa.

Lầu Năm Góc xác nhận vụ nổ giết chết Hussain ngay tại hiện trường.

Đằng sau cuộc săn lùng thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

11 nghi phạm khủng bố nội địa tại Mỹ trong năm 2015 và đầu 2016. Đồ họa Wall Street Journal.

Theo Zing

Đọc thêm

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.
Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.