Đánh giá tình hình KT-XH năm 2022 cần làm rõ hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, kết quả thực hiện các nghị quyết

(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu cần đánh giá đúng tình hình phát triển KT-XH của Hà Tĩnh trong năm 2022, trên cơ sở đó, dự báo sát thực tiễn và tính toán kỹ khả năng thực hiện đối với từng chỉ tiêu cụ thể của năm 2023.

Chiều 23/11, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về tình hình KT-XH, QP-AN năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; một số nội dung thuộc thẩm quyền và triển khai một số nội dung thời gian tới.

Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh.

Báo cáo dự thảo đánh giá tình hình KT-XH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Trong tổng số 26 chỉ tiêu, có 19/26 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 6/26 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch và 1 chỉ tiêu còn lại chưa hoàn thành điều tra tại thời điểm báo cáo (tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo đánh giá tình hình KT-XH năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.

Theo tính toán sơ bộ của ngành thống kê, tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2022 ước đạt khoảng 4% (do giảm sản xuất của 2 dự án công nghiệp lớn là Formosa và Nhiệt điện Vũng Áng 1).

Về cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 41,41%, khu vực nông nghiệp chiếm 13,61% và khu vực dịch vụ chiếm 44,98%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 16% so với năm 2021.

Về sản xuất nông nghiệp, các mô hình dồn điền, đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển mạnh, cho hiệu quả rõ nét với tổng diện tích đạt trên 6.336 ha; năng suất, sản lượng lúa vụ xuân và vụ hè thu tương đương các năm gần đây.

Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh có thêm huyện Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn huyện NTM; 4 xã NTM; 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Các đại biểu dự cuộc họp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 52.822 tỷ đồng, tăng 26%. Thu ngân sách ước đạt 16.900 tỷ đồng, đạt 103,68% dự toán, tương đương so với năm 2021. Chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 278 triệu USD.

Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đã đôn đốc các chủ đầu tư, phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn. Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp học, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Duy trì hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại các tuyến, chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được kiểm soát. Các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông được triển khai hiệu quả.

QP-AN được tăng cường, không để xảy ra điểm nóng về ANTT, vai trò của lực lượng công an xã chính quy được phát huy tốt.

Năm 2023, Hà Tĩnh đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; bảo đảm QP-AN, trật tự an toàn xã hội...

Về chỉ tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8-9%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 69 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 97,5 triệu đồng/ha.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 50.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2 tỷ USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 18.968 tỷ đồng. Có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 22,2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 0,6 - 0,7%. Giải quyết việc làm mới cho 22.500 người. Trên 90% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện.

Năm 2023, Hà Tĩnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm. Phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM; nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, thương mại, dịch vụ. Tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng để hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế. Tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể.

Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường.

Phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, thúc đẩy sáng tạo, chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh CCHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước...

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo tại cuộc họp.

Cuộc họp tiếp tục nghe Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; báo cáo xin chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; báo cáo chủ trương sử dụng nguồn hỗ trợ của Trung ương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thuộc lĩnh vực y tế; báo cáo việc thực hiện chủ trương đầu tư phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cũng đã báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023.

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023.

Thảo luận tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, cần đưa ra chỉ số tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh;

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Đình Hải: Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa bàn. Bên cạnh đó, có phương pháp cứng rắn hơn đối với những nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết với tỉnh.

Quan tâm hơn nữa việc phát triển du lịch tại chỗ; có chính sách đột phá về nông nghiệp, kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp trên địa bàn; rà soát, đánh giá thực chất “sức khỏe” của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết tồn đọng, tháo gỡ khó khăn để tạo bức tranh khả quan về KT-XH trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng: Cần đánh giá thực chất về những kết quả đạt được, phân tích khó khăn, hạn chế về việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh trong năm 2022 để đề ra các chỉ tiêu phù hợp trong năm 2023, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người. Ngoài ra, cần quan tâm công tác CCHC; thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM; công tác thanh tra tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác giải quyết tồn đọng...

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu góp ý của các các đại biểu về dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kết quả KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 để chỉnh sửa, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính thuyết phục khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận cuộc họp.

Trong báo cáo làm rõ hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; kết quả việc cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; cập nhật, làm rõ thêm các số liệu, thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn hoá, xã hội; phân tích rõ hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục. Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, phải có dự báo đúng, sát thực tiễn của Hà Tĩnh, tính toán kỹ khả năng thực hiện đối với từng chỉ tiêu cụ thể.

Trên cơ sở phân tích rõ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2023, Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý báo cáo cần làm rõ hơn việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm; đẩy mạnh CCHC, tháo gỡ khó khăn để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh; tập trung xử lý các vụ việc tồn đọng.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho ý kiến cụ thể đối với các nội dung mà Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình. Theo đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 cần ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông, xây dựng NTM. Việc bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 56/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của lĩnh vực kinh tế tập thể để tập trung lãnh đạo chỉ đạo…

Đồng ý việc thực hiện chủ trương đầu tư phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo do Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình tại cuộc họp.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói