Đáp án môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Tĩnh: thế nào là chuẩn!

(Baohatinh.vn) - Thật cảm xúc khi con trai vừa đi thi vào lớp 10! Ngồi trong phòng làm việc, thấy rưng rưng khi chúng tôi đã cùng trải qua một đoạn đường quan trọng trong hành trình của cháu!

Buổi sáng ngày 16/7/2020, các con thi Văn. Đề thi môn Ngữ văn, mã đề 01 có câu 1 như sau:

“Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Mây tụ về rừng thẳm

Suối lượn dưới thung xa

Đồng xanh ôm núi biếc

Trâu gặm chiều nhẩn nha

Đàn cò trắng về qua

Vẽ lên ngàn chớp sáng

Những làng mạc an hòa

Bên núi sông bình lặng

(Trích Non thiêng Hồng Lĩnh – Trần Đức Cường. Tạp chí văn hóa Hà Tĩnh – số 261 tháng 4 năm 2020)

a. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên” .

Là phụ huynh, đọc qua, thoạt tiên tôi ấn tượng về khả năng quan sát tinh tế, khả năng vẽ cảnh bằng ngôn từ của tác giả. Cảnh vật, màu sắc hiện lên với đường nét thanh thoát, sinh động, quả thực là “thi trung hữu họa” như thơ cổ điển! Hỏi con, cháu nói “con không biết chọn đáp án nào để trả lời câu hỏi về phương thức biểu đạt: là miêu tả hay biểu cảm”! Vậy là sao?

Đáp án môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Tĩnh: thế nào là chuẩn!

Rồi tôi hoang mang khi ngay sau đó, trang mạng doctailieu.com đưa ra đáp án cho câu hỏi trên là: “phương thức biểu đạt chính: biểu cảm”.

Không rõ trang doctailieu.com lấy đáp án từ nguồn nào, đã tin cậy chưa? Nhưng qua tìm hiểu, các học sinh đã chọn đáp án như trên thì giải thích: vì nó là thơ! Mở rộng thảo luận thêm, một bộ phận lớn giáo viên ngữ văn cũng đang nghiêng về đáp án của trang doctailieu.com đăng tải, với giải thích là thơ!

Nhóm học sinh chọn đáp án phương thức biểu đạt chính là miêu tả thì căn cứ vào những gì các cháu “thấy” qua đoạn thơ. Tìm sách ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9, tập hợp lại những bài giảng về phương thức biểu đạt trong chương trình phổ thông cơ sở thấy trong đó dạy học sinh về 06 phương thức biểu đạt:

Đáp án môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Tĩnh: thế nào là chuẩn!

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 6 tập 1, NXB Giáo dục, H 2018, trang 16).

Như vậy, trong 06 phương thức này, không có phương thức biểu đạt là thơ hoặc văn xuôi! Phương thức biểu đạt đóng vai trò là phương tiện chuyển/mang thông điệp; đằng sau bất cứ một phương thức biểu đạt nào cũng có mục đích giao tiếp. Và thơ, hay văn xuôi cũng đều dùng các phương thức biểu đạt như trên để thực hiện mục đích giao tiếp (ví dụ phương thức biểu đạt miêu tả như Xa ngắm thác núi Lư Sơn của Lý Bạch; cảnh mùa hè, cảnh mùa xuân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du; cảnh quê hương đất nước trong ca dao; cũng có thơ dùng phương thức biểu đạt tự sự như truyện thơ Thạch Sach; Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu; Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự; thậm chí phương thức biểu đạt nghị luận như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt...); ngược lại văn xuôi cũng có những phương thức biểu đạt miêu tả, biểu cảm; tự sự... Do vậy, không thể căn cứ vào lý do trích dẫn trên là thơ nên xác định “phương thức biểu đạt chính: biểu cảm”!

Quay trở về với cách làm bài của các cháu, và các quan điểm của một bộ phận trong đội ngũ giáo viên dạy văn, rốt cuộc, đáp án như thế nào với đề trên là đúng? Đáp án để các cháu không bị thiệt thòi; hoặc tự nhiên mà đạt; vì đáp áp sẽ quyết định điểm thi các cháu với chênh lệch giữa 02 quan điểm lên tới 01 điểm! Bởi đằng sau đó có khi là những số phận rất quan trọng giữa đậu và rớt; là bộ phận xã hội hàng chục nghìn người đang hồi hộp với kỳ thi này. Đối chiếu với các định nghĩa, khái niệm của sách ngữ văn, phải khẳng định rằng đoạn trên dùng phương thức biểu đạt miêu tả để thể hiện tình cảm của tác giả!

Bàn về quan điểm riêng thì khá mênh mông, nhưng trong khoa học tự nhiên cũng như trong khoa học xã hội, việc đảm bảo sự logic, khách quan, nhất quán trong tư duy, nhất quán giữa khái niệm và luận chứng bao giờ cũng quan trọng hàng đầu. Do đó, quan điểm nào để xác định đáp án của đề thi trên thì các nhà giáo dục cũng phải lấy những quy chuẩn; lấy sách giáo khoa làm pháp lệnh.

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả

Giảng viên Trường Chính trị Trần Phú

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.