Vũng Áng những ngày đầu tháng 9. Trên bến cảng số 1, 2 chuyến tàu gỗ dăm trọng tải lớn đang cập bến “ăn hàng”. Nhiều xe, máy cùng hàng trăm công nhân Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đang tập trung xếp dỡ hàng để tàu rời bến đúng hẹn.
Không khí sản xuất tại bến cảng số 1 của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt.
Ông Lê Văn Bạo - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP cảng quốc tế Lào - Việt chia sẻ: “Không kể ngày nghỉ lễ, không khí làm việc tại cảng Vũng Áng vẫn đang hết sức khẩn trương. Cán bộ, công nhân của công ty đang tập trung thi đua sản xuất, lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022). Chúng tôi rất vui mừng và tự hào được là một phần trong dấu ấn của tình hữu nghị Việt - Lào trong chặng đường 60 năm qua…”.
Trong sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong suốt các chặng đường lịch sử, nhất là từ ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, mối quan hệ truyền thống giữa ngành giao thông vận tải hai nước, đặc biệt là vận tải biển đã được hai nước vun đắp từ rất lâu. Dấu ấn nổi bật nhất được đánh dấu là vào ngày 24/5/2011, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào được thành lập với 4 cổ đông, trong đó, Công ty liên hợp Lào phát triển cảng Vũng Áng (CHDCND Lào) chiếm 20% vốn điều lệ. Ngày 15/12/2017, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào được đổi tên thành Công ty CP Cảng quốc tế Lào -Việt.
Lãnh đạo Hà Tĩnh tặng hoa chúc mừng Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đón chuyến hàng đầu năm 2022.
Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam cũng tạo điều kiện để nước bạn sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1, 2, 3. Qua đó, giúp Lào từ một nước không có biển trở thành một nước có đường ra biển. Đó là sự thể hiện rõ nét tình cảm đặc biệt tin cậy và chí nghĩa chí tình giữa những người đồng chí, láng giềng hữu nghị Lào - Việt Nam.
Sau hơn 20 năm chính thức đưa vào khai thác, cầu cảng số 1, số 2 do Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt làm chủ đầu tư đã phát huy tối đa công suất, đóng góp lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển KT-XH của Hà Tĩnh nói riêng và của hai nước Việt - Lào nói chung. Trước nhu cầu vận tải hàng hoá qua cảng ngày càng lớn, năm 2015, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đã đầu tư thêm bến cảng số 3, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Thôngđăm Xaysavẳn - Phó Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: “Bến cảng số 3 Vũng Áng được thiết kế với công suất hàng hóa thông qua khoảng gần 2 triệu tấn/năm, năng lực đón tàu đến 45.000 DWT. Đến nay, việc thi công hạ tầng bến cảng đã cơ bản hoàn thành. Sớm nhất khoảng cuối quý IV/2022 hoặc đầu quý I/2023, bến số 3 sẽ chính thức được đưa vào khai thác, góp phần đưa tổng công suất 3 bến của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt lên trên 6 triệu tấn/năm…”.
Cầu cảng số 3 cơ bản hoàn thiện các hạng mục.
Cùng với việc tích cực nâng công suất hàng hoá thông qua cảng, hiện nay, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, phía Lào cũng đang tích cực thúc đẩy sớm thống nhất phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Lào tại Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt (VLP). “Chính phủ Lào đang chỉ đạo Doanh nghiệp nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam (VDS) phối hợp với phía Việt Nam sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện theo đúng Nghị định thư đã ký ngày 6/12/2020 giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào, quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế…”, ông Thôngđăm Xaysavẳn thông tin thêm.
Cùng với hệ thống cầu cảng tại Vũng Áng, Việt Nam và Lào đang thúc đẩy và tìm kiếm nguồn đầu tư để triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai nước như đường cao tốc Vientiane - Hà Nội; tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng… Các dự án trên không chỉ được xem là biểu tượng cho sự hợp tác thiết thực nhất của hai nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi đem lại lợi ích nhiều nhất cho nhân dân hai nước.
Toàn cảnh cảng Vũng Áng từ trên cao.
Những dự án đầy tiềm năng trên khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội không chỉ cho Việt Nam và Lào có thể khai thác tối đa thế mạnh của mỗi nước mà còn tăng cường kết nối giữa 2 nước với các nước trong khu vực.
Đồng thời, thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng thông qua phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải, rộng đường ra biển, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế. Qua đó, góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước tương xứng với hợp tác về chính trị. Điều này cũng cho thấy lòng tin chiến lược đặc biệt chỉ có giữa Việt Nam và Lào và tình hữu nghị Việt - Lào mãi mãi sắt son, đời đời bền vững.