Dấu ấn Đội Cung - người con quê hương Hà Tĩnh trong khởi nghĩa Đô Lương

(Baohatinh.vn) - Đã 80 năm trôi qua nhưng cho đến nay, cuộc khởi nghĩa Đô Lương (Nghệ An) do Đội Cung (quê huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) lãnh đạo vẫn còn nguyên giá trị về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Liệt sỹ Nguyễn Văn Cung (Đội Cung - Trần Công Cung, 1903 - 1941). Ảnh Internet

Sự kiện ngày 13/1/1941 đã được ghi danh vào sử sách và lưu truyền trong Nhân dân với các tên gọi khác nhau như: binh biến Rạng - Lường, binh biến Đô Lương, khởi nghĩa Đô Lương, khởi nghĩa Đội Cung… Dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng sự kiện ngày 13/1/1941 mãi mãi là biểu tượng về tinh thần yêu nước sáng ngời của người Việt Nam, gắn liền với tên tuổi Đội Cung và quê hương Kỳ Anh - Hà Tĩnh, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Đội Cung sinh năm 1903, ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh. Thân sinh ông là cử nhân Trần Công Thưởng, người đầu tiên hưởng ứng phong trào Cần vương chống Pháp ở huyện Kỳ Anh cuối thế kỷ XIX. Truyền thống dòng họ và quê hương đã hun đúc tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược của Đội Cung ngay khi ông đang làm việc trong quân đội Pháp.

Lúc mới sinh ra, ông được người bà con bên ngoại của mẹ ở Thanh Hóa nhận làm con nuôi, mang tên Nguyễn Văn Cung. Đến tuổi trưởng thành, ông bị chính quyền thực dân bắt đi lính khố xanh, đóng tại Thanh Hóa, Nghệ An và được phong chức Đội. Ông là người sống cương trực, chân thành, hay bênh vực đồng đội và những người gặp khó khăn, yếu thế nên rất được anh em nể trọng.

Làm thân phận một người lính bắt buộc, ăn cơm và mặc quần áo do thực dân Pháp cung cấp, hằng ngày phải đi đàn áp phong trào cách mạng ở các địa phương, Đội Cung rất đau lòng, phẫn uất trước cảnh những người dân vô tội bị chết oan uổng. Ông đã nung nấu ý chí chống lại chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 8/1/1941, ông được điều lên đồn Chợ Rạng - huyện Thanh Chương thay cho tên đồn trưởng người Pháp.

Đây là cơ hội thuận lợi để ông thực hiện ý chí của mình. Sau 5 ngày lên nhận nhiệm vụ, Đội Cung đã nhanh chóng vận động binh lính và làm mọi công tác chuẩn bị cho cuộc binh biến. Đêm 13/1/1941, ông quyết định cùng binh lính đồn Chợ Rạng tổ chức đánh chiếm đồn Đô Lương, giết tên đồn trưởng, sau đó tập hợp thêm 25 người lính ở đây tiến về Vinh với mục đích chiếm Trại giám binh thành Nghệ An, tiếp tục phát triển ra những nơi khác.

Nơi đóng quân của Đội Cung ở chợ Rạng, Thanh Chương. Ảnh Internet

Trên đường tiến quân xuống Vinh, Đội Cung đã cho cắt các dây điện thoại, điện tín tại cầu Cấm (huyện Nghi Lộc) và vận động 5 người lính gác cầu nhập vào quân khởi nghĩa. Tổng số quân khởi nghĩa lúc này lên đến 31 người. Về đến Vinh, ông tiếp tục tập hợp lực lượng để phản công nhanh vào Trại giám binh.

Ông cùng Cai Á cho xe tiến thẳng vào cổng cửa tả, kêu gọi anh em binh lính phản chiến, giết tên giám binh cùng bọn ác ôn, mở cửa giải phóng tù nhân. Giữa lúc công việc đang thuận lợi thì ở bên ngoài, Cai Á vì nóng vội muốn gây áp lực và gây niềm tin cho anh em trong thành nên đã nổ hai phát súng chỉ thiên, trong khi lực lượng khởi nghĩa chưa kịp giết tên giám binh thì bị lộ. Tên giám binh nhanh chóng báo động tập hợp lính phản công.

Cai Á bị bắt tại chỗ và bị tra tấn dã man, nhưng không nửa lời khai báo, ông đã tự sát để giữ tròn khí tiết. Biết kế hoạch bị lộ, Đội Cung đã tìm cách thoát ra ngoài. Ngày 11/2/1941, Đội Cung quay lại thành Vinh để tìm cách liên hệ với các đồng chí, không may bị mật thám Pháp bắt tại khu vực Cổng Chốt, thành Vinh.

Ngày 20/2/1941, thực dân Pháp mở phiên tòa Đại hình ở Hà Nội xét xử 51 binh lính tham gia cuộc khởi nghĩa Đô Lương do Đội Cung lãnh đạo, trong đó, Đội Cung và 10 người bị kết án tử hình, số còn lại bị phạt tù rất nặng.

Sáng ngày 25/4/1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình tại 3 nơi: Vinh, Chợ Rạng và Đô Lương. Đội Cung và một số người bị hành quyết ở Vinh. Phần mộ của ông hiện nay ở phía ngoài Cửa Hữu, thành Nghệ An cũ, nay thuộc phường Đội Cung, TP Vinh.

Cuộc khởi nghĩa Đô Lương tuy không thành công và đã bị kẻ thù dìm trong bể máu nhưng sự kiện oanh liệt này đã có tác động to lớn, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn quốc, giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, cảnh cáo phát xít Nhật khi vừa đặt chân lên nước ta, nêu cao tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; là tiếng súng báo hiệu cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc đang đến gần.

Đài tưởng niệm binh biến Đô Lương ở thị trấn Đô Lương. Ảnh Internet

Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Đô Lương đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học bổ ích về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.

Thời gian đã trôi qua gần 1 thế kỷ, nhưng khí phách anh hùng của Đội Cung và các đồng đội của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Để tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ tấm gương hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đội Cung, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận và truy tặng bằng có công với nước cho liệt sỹ Nguyễn Văn Cung (Đội Cung - Trần Công Cung).

Hằng năm, Nhân dân huyện Đô Lương, Kỳ Anh và các địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày khởi nghĩa Đô Lương một cách trọng thể. Tại thị trấn Đô Lương, Đảng bộ và Nhân dân đã xây dựng một tượng đài khởi nghĩa Đô Lương, đặt tên Đội Cung cho 1 trường THCS và 1 đường phố. Tại thành phố Vinh, có 1 phường, 1 đường phố, 2 trường THCS và trường tiểu học mang tên Đội Cung. Tại Hà Tĩnh, ở TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh đã có những con đường mang tên Đội Cung.

Một số địa phương trên cả nước như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Thanh Hóa, tên Đội Cung cũng gắn với tên đường phố.

Cuộc đời tuy rất ngắn ngủi nhưng khí phách anh hùng của Đội Cung đã để lại sự khâm phục, niềm tự hào cho Nhân dân cả nước nói chung và người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh quê hương ông nói riêng.

(Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói