Dấu ấn lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ở Hà Tĩnh qua ký ức vị nguyên sư đoàn trưởng

(Baohatinh.vn) - Đã gần 80 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử năm 1945, khi người dân nhất tề đứng lên giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh vẫn còn in đậm trong tâm trí đại tá Lê Hữu Công (SN 1927 - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 441 - Bộ Quốc phòng).

Đón chúng tôi trong bộ quân phục còn mới tinh, ông Lê Hữu Công như sống lại những ngày tháng hào hùng mà mình đã chứng kiến.

Dấu ấn lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ở Hà Tĩnh qua ký ức vị nguyên sư đoàn trưởng

Đại tá Lê Hữu Công vẫn nhớ như in những ký ức về ngày Mặt trận Việt Minh lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền tháng 8/1945.

Ông kể: “Sáng ngày 17/8/1945, cha tôi đọc lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh tại đình làng. Tôi cùng người dân xã Bình Lộc (nay là xã Bình An - huyện Lộc Hà) kéo đến nhà lý trưởng và chánh tổng với một khí thế hừng hực, quyết tâm bắt sống chúng và giành chính quyền về tay Nhân dân”.

Cha của ông là cụ Lê Tử Trâm (sinh năm 1901, mất năm 1990), nguyên là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã Bình Lộc. Cụ Trâm được kết nạp Đảng tháng 6/1930, là một trong những đảng viên cốt cán của chi bộ Vĩnh Hòa (một làng thuộc xã Bình Lộc cũ). Với những hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng tại địa phương, cụ thường xuyên nằm trong tầm ngắm của bọn mật thám.

“Năm 1940, cha tôi và 2 đảng viên khác trong chi bộ bị bắt, kết án 5 năm tù, giam tại nhà lao Ly Hy (Huế). Với sự đấu tranh mạnh mẽ của tổ chức Đảng, 2 năm sau, cha tôi được thả. Ra tù, cha tiếp tục hoạt động cách mạng, tháng 3/1945 được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã Bình Lộc” - ông chia sẻ.

Giữ vị trí quan trọng trong tổ chức, cụ Trâm cùng vợ đã biến nhà mình thành địa điểm họp đảng viên bí mật; trụ sở in ấn tài liệu, truyền đơn cho cách mạng. Tổ ấn loát làm việc ngày đêm dưới sự đùm bọc của gia đình cụ Trâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn truyền đơn được in và rải khắp các ngả đường thôn xóm, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh đến các tầng lớp Nhân dân.

Dấu ấn lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ở Hà Tĩnh qua ký ức vị nguyên sư đoàn trưởng

Ông Công (bên trái) và em trai là Lê Hữu Trưng ôn lại kỷ niệm về cha mẹ mình và những năm tháng lịch sử hào hùng.

Đông đảo quần chúng thuộc nhiều tầng lớp được tập hợp trong những hội cứu quốc như: Nông dân cứu quốc; công nhân cứu quốc; thanh niên cứu quốc; phụ nữ cứu quốc; phụ lão cứu quốc; văn hóa cứu quốc... Các tổ chức thành viên của Mặt trận Việt Minh được củng cố cả về lực lượng, vũ khí, bản lĩnh chính trị. Trong những ngày này, khí thế cách mạng ở Bình Lộc cũng vì thế mà thêm phần khẩn trương, sôi sục.

Trước ngày khởi nghĩa, nhiều cuộc họp bí mật đã được tổ chức tại nhà cụ Lê Tử Trâm. “Cha tôi cùng các đồng chí trong chi bộ, mặt trận họp bàn dưới sự cảnh giới nghiêm ngặt của đội tự vệ. Nhiệm vụ được phân công rõ ràng, chi tiết cho từng người, từng bộ phận để đảm bảo thắng lợi khi lãnh đạo Nhân dân cướp chính quyền” - ông Công nhớ lại.

Sáng ngày 17/8/1945, cụ Lê Tử Trâm đọc Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc (được Tổng bộ Việt Minh thành lập trước đó) tại đình làng Vĩnh Hòa. Nhân dân xã Bình Lộc hưởng ứng lời hiệu triệu, nhất tề vùng lên, quyết tâm đánh đổ bọn tay sai, giành chính quyền. Ông Lê Hữu Công lúc đó là Đội trưởng Đội Tự vệ làng Vĩnh Hòa đã cùng 9 thành viên khác xông thẳng vào nhà, trực tiếp bắt trói lý trưởng và chánh tổng.

Dấu ấn lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ở Hà Tĩnh qua ký ức vị nguyên sư đoàn trưởng

Truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình là động lực để ông Công cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Dưới khí thế và sức mạnh như vũ bão của quân và dân ta, bọn phản động và chính quyền tay sai run sợ, nhanh chóng đầu hàng vô điều kiện. Cuộc khởi nghĩa của Nhân dân Bình Lộc thắng lợi hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh và cả nước.

“Hình ảnh cha tôi anh dũng, kiên cường cùng bà con nhân dân trong những giờ phút lịch sử đó, tôi mãi khắc ghi. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8, người dân chúng tôi có cuộc sống mới, lý tưởng mới. Đó cũng là động lực để tôi tham gia quân ngũ và cống hiến hết cuộc đời mình cho Tổ quốc” - ông Công xúc động chia sẻ.

Tháng 12/1945, ông Lê Hữu Công lúc đó mới 17 tuổi, dù chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng noi theo tấm gương hoạt động cách mạng anh dũng của cha mình, đã “khai gian” thêm một tuổi để được tham gia Chi đội Phan Đình Phùng (tiền thân của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh). Ông chiến đấu ở nhiều chiến trường vùng biên giới Hà Tĩnh, miền Tây Nghệ An, Bình Trị Thiên, Lào, Campuchia; tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Tây Nguyên, Hồ Chí Minh...

Ở bất kỳ chiến trường nào, ông Lê Hữu Công cũng giữ những vị trí quan trọng và cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội. Noi gương cha anh mình, các em và con của ông Công cũng tham quân ngũ và giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội.

Dấu ấn lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ở Hà Tĩnh qua ký ức vị nguyên sư đoàn trưởng

Những ngày này, ông Công lại bồi hồi nhớ đến cha, mẹ - những người cộng sản kiên trung.

Năm 1986, xuất ngũ trở về quê hương, ông liên tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Lộc (1987-1994). Trong thời gian này, ông Công đã có nhiều sáng kiến giúp các địa phương huyện Can Lộc bài trừ những “điểm nóng” tệ nạn như: nạn móc túi ở chợ Huyện, xung đột tôn giáo, tranh chấp đất đai... Nổi bật nhất là sáng kiến “xây dựng cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu” năm 1997 của ông được nhân rộng khắp toàn tỉnh; Bộ Quốc phòng cử người về theo dõi và công nhận mô hình sáng kiến mẫu để áp dụng tại nhiều địa phương.

Ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì, Huân chương Quân công Hạng Nhì, Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Chiến công Hạng Nhất cùng nhiều huân huy chương, bằng khen khác.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.