Các dự án BT: Nhà nước thiệt đơn thiệt kép vì mất đất vàng

Với hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng xong sẽ được cơ quan Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác. Thế nhưng, khu đất dùng để trao đổi trùng hợp là thường được chỉ định ở vị trí đẹp và thậm chí còn giao cho nhà đầu tư trước khi công trình hoàn thành.

Quá trình ấy, theo lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đang khiến Nhà nước “thiệt đơn thiệt kép” và dễ khiến xuất hiện lợi ích nhóm.

cac du an bt nha nuoc thiet don thiet kep vi mat dat vang

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Giá đất xẹp đi vì cơ chế xin cho?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã nói lên quan điểm trên tại Hội thảo "Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện" vừa được tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận, khác với dự án BOT, BT ít bị phản ứng vì người dân không phải bỏ tiền túi ra thanh toán khi đi qua trạm như các dự án BOT.

Thế nhưng, ông chỉ ra bản chất, thay vì trả tiền từ túi người dân, BT là các dự án đầu tư công được thanh toán bằng quyền sử dụng đất. Điểm cốt yếu theo ông là giá những khu đất dùng để thanh toán được định giá thấp hơn thị trường trong khi đây đều là quỹ đất vàng.

Vấn đề này ông Phớc nêu lên nhận được sự đồng thuận của tiến sỹ Phạm Quang Tú, chuyên gia Oxfam Việt Nam. Vị này cho rằng, việc thanh toán đất cho nhà đầu tư được thực hiện trước khi công trình hoàn thành, thậm chí còn trước khi dự án được bắt đầu. Giá đất tại thời điểm đó thường rất thấp, phần lớn còn là đất nông nghiệp.

Sau khi có công trình, đất quanh khu vực này bỗng từ đất nông nghiệp thành đất đô thị với giá trị tăng cả chục, cả trăm lần. “Nhà đầu tư thậm chí chỉ cần bán đất nền thì đã có chênh lệch cực kỳ lớn”, ông Tú nói.

Chỉ ra thêm, bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước cho rằng, giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá.

Bà khẳng định, việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở của việc xin-cho, gây thất thoát ngân sách.

Từ đó, bà Trương Hải Yến kiến nghị cần nghiên cứu thay đổi hình thức thanh toán dự án BT bằng quỹ đất để chuyển sang thanh toán bằng tiền theo hình thức trả chậm.

Nhìn lại những dự án BT từ khâu đề xuất, phê duyệt, bà Yến cũng cho rằng, thực tế, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được thông qua Hội đồng Nhân dân.

“Do đó, nhu cầu, mục tiêu đầu tư dự án BT không rõ ràng, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách”, bà Yến lên tiếng.

Quá trình kiểm toán các dự án BT theo bà Yến đã chỉ ra, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án.

Việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu như trên theo bà làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và tiềm ẩn rủi ro chọn đơn vị không có đủ năng lực thực hiện dự án

Tránh "thừa giấy vẽ voi"

Trong khi giá đất bị làm xẹp đi để nhà đầu tư hưởng lợi thì tổng vốn đầu tư lại bị thổi phồng.

Chưa nói cụ thể nhưng bà Yến cho hay, sau khi kiểm toán tại 21 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trên 3.815 tỷ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).

Theo bà, một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí nhằm chiếm dụng tiền của ngân sách Nhà nước.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh quan điểm, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bà chỉ ra, quy định có nhắc tới việc, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10% hoặc 15% tổng vốn đầu tư. Tuy vậy, với tỷ lệ trên, phần lớn vốn còn lại là vốn đầu tư của Nhà nước hoặc vốn vay huy động của nhà đầu tư.

Bà cũng cho rằng, hiện chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến các đơn vị này không bị bắt buộc phải góp đủ vốn theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm.

Điều này khiến nhiều dự án chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay ngân hàng, làm tăng giá trị dự án BT, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, điều này dẫn tới thực chất gần như toàn bộ dự án (khoảng 85%) là vốn của Nhà nước hoặc là vốn Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

Nhìn lại những dự án BT hiện tại, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, cần thay đổi lại toàn bộ quy trình thủ tục theo hướng Nhà nước đặt hàng và chủ động từ khâu thiết kê, lập dự toán tới tổ chức đấu giá, đấu thầu. Ông nhấn mạnh quan điểm “không được để chủ đầu tư chủ động làm.”

Ông Thanh bày tỏ mong muốn Kiểm toán Nhà nước sớm “đi vào” các dự án BT ngày từ những khâu đầu tiên tới khi khi quyết toán dự án. Điều này theo ông nhằm kiểm tra tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực của các dự án cả trước, trong và sau khi dự án được triển khai.

Còn ông Phạm Quang Tú, đại diện Oxfam Việt Nam thì góp ý, BT mặc dù là hình thức huy động động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội nhưng phạm vi nên thu hẹp lại.

“Với địa phương ngân sách khó khăn không nên áp dụng, nếu không thành thừa giấy vẽ voi, tức là xây dựng các công trình không cần thiết”, đại diện Oxfam Việt Nam lên tiếng./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xuất nhập khẩu qua Cầu Treo chưa hết khó!

Xuất nhập khẩu qua Cầu Treo chưa hết khó!

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu giảm, ngay đầu năm 2025, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) đã nỗ lực khơi thông dòng chảy hàng hóa để thu ngân sách.
Hải sản đầy kho phục vụ thị trường tết

Hải sản đầy kho phục vụ thị trường tết

Xác định dịp cuối năm âm lịch là mùa “ăn nên làm ra” nên thời điểm này, các cơ sở chế biến hải sản ở Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Ngắm những chậu lan "khủng" đón Tết Ất Tỵ ở Hà Tĩnh

Ngắm những chậu lan "khủng" đón Tết Ất Tỵ ở Hà Tĩnh

Những chậu hoa lan hồ điệp Đà Lạt có giá từ vài triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng được các nghệ nhân thiết kế, sáng tạo với kích thước "khủng", đa dạng nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.