Thời gian gần đây, khi những thông tin về đường dây sản xuất sữa bột giả chưa kịp “nguội” thì lực lượng chức năng các địa phương lại tiếp tục phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả hay giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối và là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Đặc biệt, liên tiếp các đường dây sản xuất hàng giả bị triệt phá gần đây khiến người tiêu dùng càng có cảm giác bất an, hoang mang về chất lượng hàng hóa.
Chị Tường Vân – nhân viên kế toán một doanh nghiệp tại TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Ngoài thực phẩm, hàng hóa thiết yếu sử dụng trong cuộc sống hằng ngày thì mỗi tháng, tôi đều chi một khoản tiền không nhỏ cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Dù khi mua, tôi đều tìm hiểu kỹ, chọn hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng và chọn nơi uy tín, đặt niềm tin để mua nhưng thực tế, bản thân tôi cũng không thể kiểm chứng là hàng thật hay hàng giả và vẫn luôn thường trực nỗi lo sử dụng phải hàng giả. Vì vậy, chúng tôi mong các lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ nguồn hàng hóa lưu thông trên thị trường”.
Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh), vì đang nuôi con nhỏ nên những thông tin về sữa giả vừa qua khiến chị càng thêm e ngại về chất lượng sữa trên thị trường. Chị Ngọc Anh bày tỏ: “Dù không mua các dòng sữa của các công ty sản xuất sữa giả vừa bị phanh phui nhưng tôi cũng không biết những sản phẩm tôi đang cho con sử dụng có phải hàng thật hay không. Sữa là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sự phát triển của các con, mỗi hộp sữa dành cho con là niềm tin, kỳ vọng để con lớn khôn mỗi ngày. Thế nhưng, tôi cũng không tránh khỏi nỗi lo “trả tiền thật – mua hàng giả”.

Mua nhầm hàng giả không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà điều đáng lo ngại hơn là tác hại đối với sức khỏe khi sử dụng, nhất là các sản phẩm như thuốc, sữa, thực phẩm, gia vị. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái còn gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến các thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo rào cản phát triển kinh tế.
Trước các vụ việc về hàng giả bị phát hiện gần đây, nhiều người tiêu dùng cũng đã có sự thay đổi, khắt khe hơn trong mua sắm hàng hóa như chọn mua tại các hệ thống siêu thị lớn, cơ sở kinh doanh uy tín, giảm bớt thực phẩm công nghiệp, xem kỹ thông tin sản phẩm và phản hồi của khách hàng đã mua sản phẩm… Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cho rằng, các đường dây sản xuất hàng giả chuyên nghiệp, thủ đoạn làm giả, làm nhái tinh vi nên rất khó phân biệt với hàng thật. Các giải pháp thông thường như xem kỹ bao bì, mã vạch đôi khi cũng rất khó để nhận diện bởi bao bì làm giả giống hệt như hàng thật, vậy nên quan trọng hơn cả vẫn là sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh, hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp để đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang trở thành thách thức lớn đối với cơ quan chức năng trong quản lý, phát hiện và xử lý.
Tại Hà Tĩnh, hiện nay chủ yếu là hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, không có các kho hàng, cơ sở sản xuất lớn nên cơ bản hoạt động thị trường ổn định. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại các mặt hàng giả nhãn hiệu của các thương hiệu lớn như quần áo thời trang, giày dép, túi xách…
Cũng theo Chi cục QLTT Hà Tĩnh, hiện nay, công tác quản lý, xử lý hàng giả đang gặp một số khó khăn, hạn chế, nhất là về quy trình xử lý. Việc xác định hành vi vi phạm và phân biệt giữa hàng giả, hàng nhái còn phức tạp, đòi hỏi phải có kết luận giám định chuyên môn nhưng quy trình giám định hiện nay còn chậm, chi phí cao trong khi giá trị hàng hóa thấp.
Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, Chi cục QLTT Hà Tĩnh khuyến cáo, cùng với công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua, ưu tiên mua hàng tại các địa chỉ uy tín, có hóa đơn, chứng từ. Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ, cần phản ánh, tố giác đến cơ quan chức năng. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chân chính nói chung và cơ sở có sản phẩm bị làm giả nói riêng, cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác xử lý.

Ông Trần Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho hay, để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch danh mục hàng hóa để thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm, đặc biệt là những sản phẩm tự công bố, sản phẩm không phải thương hiệu nổi tiếng. Cơ quan QLTT cần kiểm tra theo từng lĩnh vực hàng hóa, đối chiếu với hóa đơn chứng từ, nếu không có hóa đơn chứng từ phải xử lý theo quy định pháp luật và lấy mẫu gửi các cơ quan chức năng để trưng cầu giám định, kiểm tra chất lượng hàng hóa, xử lý tận gốc chứ không chỉ đơn thuần là tịch thu, tiêu hủy hàng hóa.