Chính thức thông xe 52,5 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sáng nay (26/9), Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) – chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chính thức thông xe 52,5km đoạn Km 21+500 - Km74+00 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn từ nút giao Quốc lộ 39 (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đến nút giao Quốc lộ 10 (xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng).

Chính thức thông xe 52,5 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, từ ngày 27/5/2015, VIDIFI đã khai thác và thu phí đối với đoạn tuyến dài 22,7 km dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đoạn từ nút giao với Quốc lộ 10 (Km74) đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hải Phòng (Km96+700). Đoạn tuyến 52,5km được thông xe hôm nay đi qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng nâng tổng số hơn 75km được đưa vào khai thác. Dự án đến tháng 12/2015 sẽ hoàn thành theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là tuyến đường giao thông huyết mạch, có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước, khi dự án hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5, kết nối kinh tế-xã hội với các vùng phía Bắc,” ông Tỉnh cho hay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đây là công trình trọng điểm quốc gia. Tỉnh cam kết trong việc đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác đồng thời đề nghị VIDIFI hoàn thiện hệ thống an toàn cầu vượt, nút giao Quốc lộ 38 và đường Tỉnh lộ 390 và 392; rà soát điều chỉnh, bổ sung điểm tránh xe trên đường gom để phát huy khi đưa vào khai thác.

Chính thức thông xe 52,5 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ảnh 2
Chính thức thông xe thêm 52,5 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải -Trưởng ban chỉ đạo các công trình giao thông trọng điểm quốc gia nhìn nhận, tuyến đường có vai trò hết sức quan trọng trong các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội-Hải Phòng ,là tuyến đường ra biển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có lượng vận tải lớn nhất cả nước. Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn… trở thành hệ thống đường cao tốc xuyên suốt và nối vùng kinh tế các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Khi hoàn thành đây là tuyến đương giao thông hiện đại nhất Việt Nam, áp dụng các tiêu chuẩn loại A.

“Tổng số đoạn tuyến được đưa vào khai thác đến nay là hơn 75km. Cuối năm nay thông xe toàn tuyến, đây là dự án chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc,” Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, cơ sở hạ tầng giao thông được Đảng và Nhà nước chú trọng đầu tư, cơ sở hạ tầng đi trước sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020 vẫn tập trung vào đầu tư hạ tầng bởi hạ tầng hàng không, cảng biển, đường sắt…vẫn là những rào cản lớn mà phải tập trung đầu tư, vì vậy cần phải sử dụng nhiều phương thức huy động vốn để đảm bảo nguồn vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá nỗ lực của VIDIFI, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Bộ, ngành, chính quyền các tỉnh và nhân dân vùng dự án đi qua đã ủng hộ . Giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hơn nữa trong các năm tới, nếu không có sự ủng hộ của người dân thì không thể đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an và UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với VIDIFI kiểm soát chặt chẽ phương tiện, đặc biệt là lượng xe quá tải, công tác an toàn giao thông trên đường.

Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 và hoàn thành vào năm 2015 với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.

Về mức phí, đoạn tuyến 75km sẽ áp dụng mức thu phí tiêu chuẩn là 1.500 đồng/km/xe. Biểu giá mức thu phí để lưu thông trên đoạn tuyến này thấp nhất là 110.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi. Xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40feet là 600.000 đồng/xe.

Tổng mức đầu tư tuyến cao tốc này là 45.487 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Số vốn ban đầu được dự toán vào mức xấp xỉ 25.000 tỷ đồng.

Dự án được thiết kề bởi Liên danh tư vấn YOOSHIN-KPT (Hàn Quốc) và TEDI (Việt Nam); Tổng Công ty đường cao tốc Hàn Quốc thẩm tra thiết kế kỹ thuật; dự toán được Viện Kinh tế xây dựng-Bộ Xây dựng thẩm tra; Tư vấn giám sát là Liên danh Meinhardt International (Australia) và Tư vấn xây dựng Nhật-Việt, được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước tổ chức nghiệm thu.

Theo Báo GTVT

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast