Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và 2023.

Sáng 11/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 đạt thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến ngày 30/11/2023, tình hình giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân đạt thấp kế hoạch năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) như sau: Điện Biên 50%; Hòa Bình 55%; Quảng Bình 57%; Quảng Nam 53%; Đắk Nông 57%...

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo tình hình kết quả giải ngân vốn thực hiện chương trình MTQG tại địa phương; các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và nêu các giải pháp trọng tâm, kiến nghị, đề xuất đẩy nhanh tiến độ giải ngân thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà đã báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà phát biểu tại cuộc họp.

Cụ thể, đối với vốn đầu tư phát triển, để thực hiện tiêu chí nước sạch theo Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Tĩnh đã trích 50% số vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương hỗ trợ để đầu tư 20 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn, tuy nhiên, việc điều tra khảo sát, đánh giá cần phải thực được thực hiện kỹ; đồng thời số vốn ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ tối đa 75%, còn lại chủ yếu huy động đóng góp từ người dân hưởng lợi dự án nên phải có sự điều tra, khảo sát số lượng người dân tham gia... dẫn đến việc lập hồ sơ dự án mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, vốn bổ sung năm 2023 thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở mới được Trung ương giao ngày 22/10/2023.

Đối với vốn sự nghiệp chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vốn năm 2023 chủ yếu phân bổ thực hiện các chương trình chuyên đề. Quy trình thực hiện mất khá nhiều bước nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn.

Với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2022, 2023 chưa giải ngân được do nhu cầu học nghề của lao động hiện nay không nhiều. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH chưa ban hành tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp nên chưa có cơ sở để rà soát, thực hiện hỗ trợ.

Về các nhiệm vụ thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Trung ương; giao các cơ quan thường trực các chương trình MTQG tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với từng chương trình để quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện và giải ngân. Chỉ đạo các địa phương, các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các chương trình MTQG năm 2022, 2023. Phấn đấu hết năm 2023, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 được kéo dài sang năm 2023.

Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm ban hành hướng dẫn, tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp để có căn cứ phân bổ, giải ngân kinh phí thực hiện; đề nghị Chính phủ không giao chi tiết đến dự án, lĩnh vực đối với nguồn kinh phí sự nghiệp của chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhằm tạo sự linh hoạt cho các địa phương trong triển khai thực hiện.

Đồng thời, đề nghị Phó Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ Hà Tĩnh nguồn kinh phí để hoàn thành 7/10 tiêu chí cấp tỉnh còn gặp khó khăn về huy động nguồn lực trong thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương làm tốt việc giải ngân; kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành những nội dung vượt thẩm quyền cần tháo gỡ.

Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: VGP News.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng các địa phương phải quan tâm đến chất lượng thực hiện các chương trình MTQG, nâng cao chất lượng đầu tư, hỗ trợ. Các bộ, ngành chủ động hơn trong công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương để kịp tiến độ giải ngân của cả nước; sớm hoàn thiện các tiêu chí liên quan để thuận lợi cho địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh khởi công đúng kế hoạch các công trình đã hoàn thành đấu thầu để đảm bảo giải ngân nguồn vốn năm 2022 trước 31/12/2023; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ 14 dự án đang trình duyệt, đảm bảo đủ điều kiện để giao kế hoạch vốn năm 2023; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ trình phê duyệt các chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo đủ điều kiện phân bổ nguồn vốn Chính phủ giao ngày 22/10/2023.

Kinh phí sự nghiệp giải ngân còn thấp, đề nghị các huyện, thị, thành phố rà soát các nội dung triển khai chậm hoặc chưa triển khai, làm rõ nguyên nhân với từng dự án và đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nội dung vượt thẩm quyền, cần báo cáo Sở Tài chính và tham mưu báo cáo với UBND tỉnh trong tháng 12/2023. Với các đơn vị cấp tỉnh được giao chủ trì thực hiện một số nội dung liên quan đến vốn sự nghiệp, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Đầu tư công

Đọc thêm

Hàng tết lên kệ, sức mua chưa như kỳ vọng

Hàng tết lên kệ, sức mua chưa như kỳ vọng

Thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống ở Hà Tĩnh, hàng hóa tết với đa dạng mẫu mã, giá cả đã lên kệ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nhưng sức mua còn yếu.
Metro số 1 chính thức khai thác thương mại

Metro số 1 chính thức khai thác thương mại

Sau 17 năm kể từ khi TP.HCM phê duyệt chủ trương xây dựng, tuyến đường sắt đô thị metro số 1 chính thức được vận hành thương mại trong sự xúc động của lãnh đạo TP và sự mong chờ của người dân.
Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, ngư dân Hà Tĩnh vẫn nỗ lực vươn khơi với hy vọng mang về nhiều lộc biển để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết ấm no bên gia đình.
Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025