Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT có ý nghĩa hết sức quan trọng, vai trò động lực, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KT - XH, QP-AN đất nước, tăng năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Chiều 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án, công trình trọng điểm.

Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó trưởng ban Chỉ đạo cùng bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược, song đây vẫn đang là điểm nghẽn lớn của nước ta.

Dù các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là tại các dự án đường bộ cao tốc.

Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc được giao; đi vào những vấn đề trọng điểm; tuân thủ việc phân cấp, phân quyền, hạn chế bớt đẩy việc lên cấp trên; thảo luận chỉ rõ tại các công trình, dự án đang vướng mắc những gì, ở đâu, khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Các đại biểu tham dự phiên họp ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần.

Trong đó, Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành, doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Phiên họp được kết nối trực tuyến với các địa phương có công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT triển khai trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo và sau phiên họp đầu tiên (ngày 10/8), các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Hiện các dự án lớn như: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…, đều đang bắt nhịp rất nhanh, công việc được giải quyết rốt ráo.

Từng địa phương, bộ, ngành cũng đã có báo cáo chi tiết từng dự án, từng phần việc thuộc trách nhiệm của mình để Ban Chỉ đạo đánh giá và có quyết sách cụ thể. Đặc biệt hai nhóm công việc: GPMB và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án được Ban Chỉ đạo quan tâm.

Trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025.

Giai đoạn 2017 – 2020 có dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, trong đó đoạn qua huyện Đức Thọ là 4,84 km, đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện đến nay là 112,96 tỷ đồng (đạt 9,14%).

Giai đoạn 2021 – 2025 có 3 dự án thành phần là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng với chiều dài 102,38km, tổng mức đầu tư được duyệt 29.230 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối dài 12,18 km, gồm đường nối Ngô Quyền – ĐT.550 (5,05 km); đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài (3,93 km) và đường Cẩm Quan – Quốc lộ 1 (3,2 km).

Chủ đầu tư đã hoàn thành bàn giao mốc GPMB tuyến chính cao tốc và 3 tuyến kết nối. Đến nay, toàn tỉnh kiểm đếm tuyến chính cao tốc đạt 93,13% (3/6 địa phương kiểm đếm đạt 100% là huyện Đức Thọ, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh).

Trên các tuyến kết nối (huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên) đang tiến hành kiểm đếm, trích lục bản đồ, rà soát tái định cư.

Hà Tĩnh đã và đang phối hợp hợp với các ban, ngành Trung ương và đốc thúc các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh việc triển khai các nội dung để đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang được triển khai thi công. Ảnh chụp tháng 8/2022.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ nhất, các cơ quan, đơn vị, đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số công việc chưa hoàn thành, cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Cụ thể, công tác GPMB chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn vật liệu cát đắp nền đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số địa phương lúng túng thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thủ tục triển khai đan xen giữa thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam với các dự án sử dụng vốn vay tổ chức quốc tế còn phức tạp, kéo dài.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra thực địa mốc GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Để thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ, trong thời gian tới, các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ quản cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Bộ GTVT chỉ đạo các Ban QLDA, nhà thầu triển khai thi công đảm bảo thông xe 4 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) trong năm 2022; hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu và thủ tục liên quan để khởi công dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối năm 2022...

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Khu đất huyện Can Lộc quy hoạch xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác GPMB tại xã Quang Lộc có sự kết nối thuận lợi với hạ tầng giao thông hiện có.

UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tập trung triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần; phấn đấu khởi công dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh vào tháng 6/2023.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT làm việc với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung cát đắp cho các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ phân bổ nguồn vốn cho dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...

Tại hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các đơn vị, địa phương và nhàu thầu đã thông tin về tình hình triển khai các công trình, dự án, đồng thời phản ánh những số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, cần giải quyết như khó khăn trong công tác bồi thường GPMB; vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án trọng điểm quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh VGP.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực, trong đó có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT là những dự án hạ tầng giao thông có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, vai trò động lực, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực tế cũng đã chứng minh, hạ tầng giao thông đi tới đâu thì văn minh tới đó. Những tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ thì đều có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án này, rút kinh nghiệm từ những cách làm hay và cả những hạn chế, bất cập trong nhiều năm qua, trong đó khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện.

Cả hệ thống chính trị phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải xuống tận công trình để kiểm tra, giám sát để tăng cường hiệu quả tháo gỡ, giải quyết khó khăn, phải nêu cao tinh thần “tất cả vì Nhân dân phục vụ”.

Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện các công việc một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, không trông chờ, ỷ lại, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, tăng cường nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu bảo đảm chất lượng trên tinh thần trong sáng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân; cương quyết dẹp bỏ tình trạng bán thầu, xé nát dự án, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, vừa phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT trên địa bàn, xây dựng quy chế làm việc, phân công công tác rõ ràng, cụ thể; kiện toàn và nâng cao năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án bảo đảm đủ sức thực hiện dự án, bảo đảm đúng tiến độ và nâng cao chất lượng.

Tỉnh Đồng Tháp, tỉnh An Giang rà soát tổng thể các mỏ vật liệu để có kế hoạch nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.