Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Baohatinh.vn) - Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị thành viên BCĐ cấp tỉnh tiếp thu tinh thần chỉ đạo, kết luận của các Phó Thủ tướng tại hội nghị để tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình.

Chiều 31/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính dự tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.

Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân cùng dự.

Hiện có 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình là 102.050 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài). Hằng năm, đã cân đối, bố trí đủ 100% kế hoạch trung hạn.

bqbht_br_5.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình là 91.956,848 tỷ đồng. Tổng số kinh phí đã cân đối, bố trí trong dự toán hằng năm trong giai đoạn là 97.889,823 tỷ đồng, vượt 6% dự kiến. Trong đó, tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua là 53.528,871 tỷ đồng (25.405 tỷ đồng vốn đầu tư công; 28.123,871 tỷ đồng kinh phí thường xuyên).

Về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, có 6 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành và vượt, còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 3 huyện nghèo thoát nghèo.

Qua chương trình đã đầu tư 2.716 công trình xây dựng mới và 1.586 công trình duy tu bảo dưỡng. Nhờ đó đã hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại các huyện nghèo, xã nghèo.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 9.368 dự án, mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với 213.247 hộ tham gia; qua đó tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

bqbht_br_4.jpg
Đại biểu dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 3/2025, cả nước có 6.001 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025). Trong đó: 39,2% xã đạt chuẩn nâng cao; 9,95% xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí so với cuối năm 2021).

Đã có 307 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 95,2% mục tiêu giai đoạn 2021-2025), trong đó có 29 huyện đạt chuẩn nâng cao; 23 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 tỉnh/thành phố có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn; 6 tỉnh” đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 40% mục tiêu giai đoạn 2021-2025).

bqbht_br_3.jpg
Đại biểu dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo một số địa phương đã báo cáo kết quả thực hiện; thảo luận khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình MTQG và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ.

Kết luận cuộc họp, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Mai Văn Chính đánh giá cao kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cho rằng, mục tiêu và kết quả các chương trình đến nay có ý nghĩa rất lớn và có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Tuy nhiên, các các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các nội dung của mỗi chương trình hiện nay vẫn còn nhiều phần việc cần giải quyết; nhìn chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để kịp phân bổ số vốn còn lại, giải ngân 100% nguồn vốn các chương trình.

Trước mắt, cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình ở Trung ương; các bộ với vai trò chủ chương trình phối hợp tham mưu các giải pháp thực hiện chương trình trong thời gian tới; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp; bổ sung, xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo quá trình triển khai thực hiện các chương trình được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu đã được Quốc hội giao.

Các Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp tổng hợp, hoàn thiện thủ tục phân bổ nguồn vốn còn lại các chương trình đến các đơn vị, địa phương. Các địa phương cần chủ động có sự phân công nhiệm vụ; sẵn sàng các giải pháp kịp thời thực hiện các phần việc, nhiệm vụ khi được phân bổ nguồn vốn các chương trình.

Giao các bộ, ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thể chế, chính sách thuộc trách nhiệm xử lý của cấp Trung ương. Các địa phương tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình; đảm bảo hoàn thành mục tiêu từng chương trình đã được Chính phủ giao.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo và các địa phương sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình và triển khai công tác tổng kết, đánh giá chương trình giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo khoa học; nghiên cứu, đề xuất định hướng thực hiện các chương trình giai đoạn 2026-2030 phù hợp với tình hình mới.

bqbht_br_dsc-2338.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh giai đoạn 2022-2025 của 3 chương trình là 1.281,799 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 975,494 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 306,305 tỷ đồng). Hằng năm, đã cân đối, bố trí 98,6% kế hoạch trung hạn.

Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh giai đoạn 2022-2025 của 3 chương trình là 478,646 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 được giao là 284,225 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 14 chỉ tiêu đạt và 3 chỉ tiêu chưa đạt. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024, toàn tỉnh hiện có 46 hộ nghèo dân tộc (giảm 4 hộ so với năm 2023) chiếm 0,01% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, chiếm 6,28% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số.

Về Chương trình giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 9.236 hộ nghèo (19.109 khẩu), tỷ lệ 2,40% (giảm 2,28% so với đầu kỳ, giảm bình quân 0,76%/năm). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt chỉ tiêu do cấp có thẩm quyền giao (giảm từ 0,6-1,0%).

Toàn tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện 534 mô hình, triển khai 323 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả cho thấy, các mô hình đa dạng hóa sinh kế, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho hộ gia đình, giúp hơn 8.600 hộ thoát nghèo bền vững.

Hằng năm, có 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo đúng quy định; 100% số trẻ em thuộc hộ nghèo và cận nghèo đều đi học đúng độ tuổi; 97% hộ nghèo có nhà ở kiên cố, đảm bảo an toàn…

Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 169/169 xã đạt chuẩn (đạt 100%), 69/169 xã đạt chuẩn nâng cao (đạt 40,8%), 18/169 xã đạt chuẩn kiểu mẫu (đạt 10,7%). Có 9/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 75%).

Thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã có sự tập trung cao để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình (đặc biệt là vốn đầu tư công) đến nay còn khá thấp. Đề nghị thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh tiếp thu tinh thần chỉ đạo, kết luận của các Phó Thủ tướng tại hội nghị để tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình.

Sở Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung cao để theo dõi và tham mưu Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải ngân nguồn vốn và công tác thực hiện các chương trình; phối hợp với các sở, ngành liên quan để bố trí chi tiết nguồn vốn còn lại của các chương trình; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương, đơn vị để tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Sở Xây dựng tập trung cao công tác đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án; đề nghị các chủ đầu tư các dự án phải tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

Sở Nội vụ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Sở Nông nghiệp và môi trường sớm phân bổ kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; các địa phương cần tiếp tục có sự tập trung cao, quyết liệt.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị cán bộ, công chức cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hiệu quả; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đưa chuyển đổi số vào lãnh đạo, điều hành, cải cách hành chính; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ...
Thành tựu của đất nước sau 50 năm: Tiền đề cho kỷ nguyên vươn mình

Thành tựu của đất nước sau 50 năm: Tiền đề cho kỷ nguyên vươn mình

Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực tạo tiền đề cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những đóng góp của quân và dân Hà Tĩnh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Những đóng góp của quân và dân Hà Tĩnh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hà Tĩnh đã không tiếc sức người, sức của, kiên cường chiến đấu. Những thắng lợi to lớn trong thời kỳ này đã khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dũng cảm, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và tiếp tục đưa Hà Tĩnh phát triển trong giai đoạn mới.
Để bữa cơm công ty “chuẩn vị” nhà

Để bữa cơm công ty “chuẩn vị” nhà

Hiện nay, thời gian làm việc, sinh hoạt của nhiều người lao động chủ yếu diễn ra ở công ty, vì vậy, chất lượng bữa ăn ca ngày càng được các doanh nghiệp Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng.
Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ với nhiều giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.