ĐBQH đoàn Hà Tĩnh: Đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân

(Baohatinh.vn) - ĐBQH đoàn Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng, góp phần hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

ĐBQH đoàn Hà Tĩnh: Đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân

Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu

Tham gia thảo luận, các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh thống nhất việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Các đại biểu tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh; tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao; tổ chức lại bộ máy giúp việc của tòa án nhân dân cấp cao; việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; quy định không tiến hành thanh tra, điều tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng.

Các đại biểu đề nghị không thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, giữ nguyên quy định và bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử, không làm tăng thêm đầu mối, biên chế; đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát thẩm phán.

Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung liên quan đến Thẩm phán Tòa án nhân dân như: quy định về ngạch, bậc thẩm phán; thẩm quyền quyết định số lượng thẩm phán, bậc thẩm phán tại mỗi cấp tòa án, cơ cấu tỷ lệ bậc thẩm phán; tuổi bổ nhiệm thẩm phán; điều kiện bổ nhiệm thẩm phán; cơ chế bảo vệ thẩm phán.

Thống nhất đề nghị không quy định Hội đồng xét xử có nhiệm vụ khởi tố vụ án tại phiên tòa; việc quy định nhiệm kỳ của thẩm phán nhiệm kỳ đầu 5 năm và nhiệm kỳ tiếp theo bổ nhiệm không thời hạn, bổ sung thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật. Rà soát các quy định có liên quan đến tiền lương, phụ cấp đảm bảo đồng nhất với chính sách cải cách tiền lương mới của Chính phủ.

Đề nghị việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải lập đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; có biện pháp phù hợp về công tác tổ chức cán bộ đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán vi phạm pháp luật hình sự.

Các đại biểu đề nghị cần rà soát các quy định của dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định đầy đủ nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm sự liên thông, kết nối với nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả; quy định rõ trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ đối với đương sự là người yếu thế. Đồng thời, đề nghị đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án, đảm bảo khuyến khích thẩm phán chuyên tâm công tác.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast