Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh: Cần sự vào cuộc của địa phương.
Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh Phan Thư Hiền.
Sau khi dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và ca trù là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, phong trào hát dân ca phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị ở Hà Tĩnh. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh cùng với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hàng trăm câu lạc bộ (CLB) dân ca đã được thành lập tại các xã, phường. Dân ca cũng được đưa vào trường học, thu hút một bộ phận giáo viên, học sinh có năng khiếu tham gia.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn CLB dân ca hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Thậm chí, có những CLB sau khi thành lập, ra mắt xong không tổ chức sinh hoạt, biểu diễn. Để các CLB hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm của ngành VH-TT&DL. Bên cạnh đó, các CLB cũng cần phải tìm kiếm những nhân tố có năng khiếu, đủ nhiệt huyết, đam mê để tập hợp, phát triển phong trào.
Cùng với đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghệ nhân; huy động nguồn lực xã hội hóa; việc tạo dựng môi trường diễn xướng cho các CLB cũng sẽ góp phần quan trọng để gìn giữ, phát huy giá trị di sản.
Nghệ nhân dân gian Trần Minh Chính - Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Hương Nao - xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà): Phổ biến rộng rãi các sáng tác mới.
Nghệ nhân dân gian Trần Minh Chính.
Tôi gắn bó với ví, giặm từ năm 1972. Ngoài biểu diễn thì tôi còn sáng tác và đến nay, tôi đã có khoảng 300 tác phẩm bao gồm: kịch một màn, tiểu phẩm hát múa, tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh, đối ca, tấu nói... Những sáng tác của tôi được phổ biến khá rộng rãi trong các địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân yêu thích dân ca.
Tuy nhiên, khi mạng internet phát triển, tư liệu về dân ca dễ dàng tìm kiếm nên có sự kiện thì các địa phương, đơn vị sẽ ít tìm đến nghệ nhân nhờ sáng tác. Cùng với đó, những năm gần đây, không có nhiều không gian biểu diễn nên việc đưa các sáng tác tâm huyết của nghệ nhân đến với công chúng bị hạn chế nhiều.
Tôi nghĩ rằng, để khuyến khích hoạt động sáng tạo nghệ thuật thì rất cần có chính sách hỗ trợ, động viên các nghệ nhân; đồng thời, tạo điều kiện để các tác phẩm được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Các tạp chí chuyên ngành có thể dành thời lượng để in ấn tác phẩm tổ khúc dân ca, hát múa, đối đáp dân ca... Điều này vừa giúp tác phẩm được phổ biến, vừa là kênh thông tin để các CLB lấy tư liệu tập luyện, biểu diễn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.
Ông Thái Văn Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Gắn phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị cũng như vai trò cực kỳ quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, xem đó là một tài nguyên vô giá cho việc phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động du lịch trên nguyên tắc bảo tồn gắn với phát triển.
Du lịch phải tạo nên “đất sống” cho di sản văn hóa phi vật thể và ngược lại, di sản văn hóa phi vật thể sẽ tạo nên “sức sống”, sự hấp dẫn cho du lịch. Điều này chúng ta thấy rất rõ qua việc phát huy giá trị của ca Huế, quan họ Bắc Ninh và đờn ca tài tử Nam Bộ…
Bên cạnh thực hiện tốt chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể mà tỉnh đã ban hành, phải khai thác tốt nguồn lực xã hội hóa, làm cho di sản văn hóa thực sự trở về với Nhân dân và phục vụ nhu cầu của chính người dân, bởi họ mới là chủ thể sáng tạo, bảo vệ, lưu truyền di sản đến các thế hệ sau.
Nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh - CLB Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân): Quan tâm nghệ nhân và bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh.
Gia đình tôi bao đời nay có truyền thống hát ca trù. 30 năm ôm đàn, với tôi, ca trù đã ngấm vào máu thịt. Ca trù là một thể loại dân ca mang tính bác học nên rất kén khán giả và số người theo nghiệp ca trù cũng không nhiều.
Trên thực tế, chưa có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ đối với đội ngũ nghệ nhân, thành viên các CLB nên hầu hết họ gắn bó chỉ vì đam mê, vì tâm huyết muốn gìn giữ di sản văn hóa của cha ông. Đó cũng là nguyên nhân khiến người trẻ không có nhiều động lực, tâm huyết theo đuổi loại hình nghệ thuật này và đội ngũ kế cận đang hẫng hụt. Hiện nay, chỉ có nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú mới được hỗ trợ (từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng)
Muốn gìn giữ, phát huy được giá trị của ca trù trong đời sống văn hóa, rất cần có chính sách động viên nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi để họ cống hiến nhiều hơn cho phong trào. Cùng với đó, phải khuyến khích, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng những nhân tố trẻ để chuẩn bị lực lượng kế cận.