Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Kết tinh từ tâm hồn của người dân xứ Nghệ trong lao động, sản xuất, dân ca ví, giặm như một mạch nguồn chảy mãi, xuyên suốt hàng thế kỷ qua. Ngày nay, các thế hệ người Hà Tĩnh đang ra sức phát huy giá trị những câu ví, điệu giặm của cha ông.

Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

“Giao duyên phường vải” tiết mục tham dự Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh do Hà Tĩnh tổ chức tháng 12/2020 của CLB xã Tùng Lộc (Can Lộc).

Một đời sống lâu bền

Cho dù đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào xác định thời điểm ra đời của dân ca ví, giặm nhưng qua nhiều tư liệu có thể thấy dân ca ví, giặm đã có một đời sống rất lâu bền và tiếp biến theo dòng lịch sử dân tộc.

Trong công trình nghiên cứu “Hát giặm Nghệ Tĩnh”, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cũng đã từng khẳng định: có thể thấy hát giặm đã ra đời từ rất sớm và thịnh hành ở cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII.

Từ những giai thoại về hát ví phường vải của Đại thi hào Nguyễn Du, nhà yêu nước Phan Bội Châu…, chúng ta có thể hình dung, dân ca ví, giặm đã có một đời sống sôi nổi trong sinh hoạt văn hóa của người dân Nghệ Tĩnh hàng trăm năm trước. Ở đó, trong không gian diễn xướng gắn liền với lao động, sản xuất đã hình thành nên những phường hát, như: hát ví phường vải, ví phường cấy, ví phường chè, ví phường nón, ví đò đưa…

Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

Tái hiện không gian diễn xướng hát ví, giặm bên bờ sông Lam. Ảnh: Internet

Tiếp biến theo dòng lịch sử, những câu hò, điệu ví ấy tiếp tục được cất lên trong đời sống người dân Nghệ An - Hà Tĩnh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Một trong những điển hình về ví, giặm gắn liền với đời sống của người dân Nghệ - Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là bài “Thần sấm ngã”. Lời hát: “Khi tôi chưa đánh thằng Mỵ (Mỹ)/ thì nghe đồn ngược, đồn xuôi/Thần sấm Mỵ (Mỹ) ra đời/ bay cho rách nón, rách tơi… Khi tôi đánh thằng Mỵ (Mỹ) rồi/ Tôi nghĩ cũng nực cười/ Thần sấm Mỵ (Mỹ) ra đời/trốc thì nậy hơn đuôi/ chui đằng mô cũng đạn/ mà trượt đằng nào cũng đạn...”.

Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

NSND Hồng Lựu (giữa) tại buổi duyệt vở ca kịch dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng, tháng 12/2020.

Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An bày tỏ: “Là tiếng lòng của người dân lao động, sức sống dân ca ví, giặm chưa bao giờ “đứt quãng” trong những biến động của lịch sử dân tộc. Ở mỗi thời kỳ, những câu ca, lời hát lại thể hiện mỗi cách khác nhau. Nếu như trong thời bình, đó là những câu ca nặng ân tình thủy chung, ca ngợi đạo hiếu, nhân nghĩa, cảnh đẹp quê hương, nghề nghiệp thì khi đất nước đối diện với biến động…, dân ca ví, giặm lại cất lên tiếng hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết chống lại kẻ thù, thiên tai, dịch bệnh…”.

Video: Em Trần Thị Khánh Linh thể hiện khúc dân ca "Quyết tâm thắng dịch Covid-19" do người ông của mình sáng tác (ông Đinh Thế Diện, 62 tuổi, thôn Lam Long, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân).

Thực tế cho thấy, dân ca ví, giặm chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, khi Nhân dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An vào cuộc chống dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều bài ví, giặm ca ngợi tinh thần của lực lượng chống dịch, bài trừ những chủ quan lơ là của người dân… Đó chính là biểu hiện của sức sống mãnh liệt của dân ca ví, giặm trong đời sống hôm nay.

Audio: Bài hát cổ động chống dịch của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Tiến Khởi

Để mạch nguồn chảy mãi…

Với nhiều giá trị độc đáo về nghệ thuật và nội dung mang tính nhân văn sâu sắc; phản ánh đa dạng đời sống văn hóa; gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, mang đậm bản sắc vùng miền; quá trình phát triển lâu đời, mang dấu ấn lịch sử sâu đậm; có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị phổ biến, được thực hành trong đời sống xã hội ngày nay và được cộng đồng gìn giữ trao truyền qua nhiều thế hệ…, tháng 11/2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

Là cán bộ công tác trong ngành đường sắt về hưu nhưng ông Nguyễn Văn Tam (70 tuổi, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ) lại mang nặng duyên nợ với dân ca ví, giặm. Ông đã sưu tầm, sáng tác hàng trăm làn điệu dân ca và trao truyền cho thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Thư Hiền cho rằng: “Mặc dù, lâu nay, dân ca ví, giặm vẫn luôn hiện hữu trong đời sống của Nhân dân xứ Nghệ nhưng việc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một cơ hội để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý giá này”.

Nhiều năm qua, bằng Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những việc làm thiết thực.

Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

Trích cảnh diễn trong vở ca kịch “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng, tháng 12/2020.

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá , Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Đến nay, hai tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công 4 kỳ liên hoan dân ca ví, giặm quy mô liên tỉnh và nhiều cuộc liên hoan cấp tỉnh ở mỗi địa phương. Riêng Hà Tĩnh, hai đơn vị là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thường xuyên có nhiều chương trình dân ca ví, giặm phục vụ các sự kiện quan trọng, lưu diễn vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập 124 câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm, quy tụ hàng trăm nghệ nhân sinh hoạt đều đặn. Đó là cơ sở quan trọng để bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh".

Dân ca ví, giặm - suối nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Hà Tĩnh

Đưa dân ca ví, giặm vào trường học giúp thế hệ trẻ sớm yêu thích di sản văn hóa của quê hương. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Nghi Xuân) tham gia Liên hoan các CLB dân ca ví giặm toàn tỉnh năm 2020)

Nhiều năm qua, nhiều trường học ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên… cũng đã đưa dân ca ví, giặm vào truyền dạy ngoại khóa cho học sinh. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức bảo tồn và phát huy của mỗi người dân, dân ca ví, giặm đang có một đời sống mạnh mẽ và sôi nổi trong đời sống văn hóa Hà Tĩnh đương đại.

Nghệ nhân Lê Quyết Diễn - Chủ nhiệm CLB dân ca ví, giặm xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) chia sẻ: “Mỗi lần biểu diễn cho người dân xem hay truyền dạy dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ, tôi không chỉ cảm thấy tự hào mà còn cảm nhận được tình yêu sâu sắc của mỗi người dân Hà Tĩnh dành cho dân ca ví, giặm. Tuy có thể, trong đời sống thường ngày, người dân ít hát hơn ngày xưa nhưng mỗi khi tiếng hát cất lên, dù ở không gian nào cũng nhận được sự hưởng ứng và niềm yêu mến của người dân. Đó chính là động lực để chúng tôi dành nhiều tâm huyết hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm trong đời sống hôm nay”.

Được kết tinh từ lao động, sản xuất, từ tình yêu, trí tuệ tài hoa của cư dân ở vùng đất sông Lam - núi Hồng, dân ca ví, giặm đã, đang và sẽ phát huy những giá trị quý báu, tiếp tục bồi đắp tâm hồn, cốt cách con người Hà Tĩnh nói riêng và xứ Nghệ nói chung trong thời đại mới.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.