Đề tài “Giải pháp ứng dụng kỹ thuật siêu âm chẩn đoán gãy xương sườn và sụn sườn trong chấn thương ngực kín” của bác sỹ Bùi Huy Thương và các cộng sự ở BVĐK TP Hà Tĩnh đã có được vinh dự trên.
Đây là 1 trong 90 đề tài trên cả nước đạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 năm 2018 - 2019; cũng là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh đạt giải tại hội thi.
Bác sỹ Bùi Huy Thương (hàng sau, thứ 6 từ trái sang) nhận giải tại buổi lễ.
Tối 2/7, tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2019 – 2020).
Sau 2 năm triển khai, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019) đã nhận được 575 giải pháp gửi tới từ 55 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y, dược; giáo dục, đào tạo.
Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh chia vui cùng bác sỹ Bùi Huy Thương và cộng sự bên lề buổi lễ trao giải.
Hội đồng giám khảo đã chấm chọn 90 giải pháp đề nghị ban tổ chức trao giải gồm 6 giải nhất; 12 giải nhì; 24 giải ba và 48 giải khuyến khích.
Theo bác sỹ Bùi Huy Thương và nhóm nghiên cứu, để chẩn đoán gãy xương, chụp X - quang là phương tiện tốt, chi phí thấp và được hầu hết các bác sỹ sử dụng thường xuyên hiện nay. Tuy nhiên, trong những trường hợp gãy xương khó và kín đáo, khám lâm sàng vẫn nghi ngờ bị gãy xương nhưng trên phim X - quang không thể phát hiện hình ảnh. Trong khi đó, siêu âm được sử dụng thường xuyên trong các bệnh viện hiện nay, kể cả các bệnh viên tuyến cơ sở.
Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ phát hiện gãy xương sườn trên siêu âm nhiều hơn so với X - quang là gần 4,4 lần.
Ưu điểm của siêu âm là giá cả thấp, không độc hại (X - quang và cắt lớp vi tính đều sử dụng tia X), không xâm lấn, chẩn đoán được các gãy xương nông ở gần mặt da, gãy một thành xương, sử dụng được cho phụ nữ mang thai (vì tránh tiếp xúc với tia X) và các gãy xương sụn mà phim chụp X - quang không thể hiện hình được (vùng trước của ngực và gãy xương ở trẻ em). Việc đầu tư cho máy siêu âm giá thành ít hơn rất nhiều khi đầu tư vào máy chụp X - quang và cắt lớp vi tính.
“Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất bác sỹ tại các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh kết hợp đa phương tiện để hỗ trợ chẩn đoán cho bệnh nhân, nhân rộng ứng dụng kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân” – bác sỹ Bùi Huy Thương chia sẻ.
Đến nay, phương pháp này đã áp dụng rộng rãi trong Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh cũng như các bệnh viện khác. Kỹ thuật này giúp bác sỹ phát hiện đến 90% tổn thương xương sườn, sụn sườn mà kỹ thuật X – quang còn bỏ sót.
Đặc biệt hơn, giải pháp này được nhóm bác sỹ Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh tự thực hiện, không sử dụng ngân sách Nhà nước.