Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vẫn còn tồn tại tình trạng bán SIM rác trên thị trường.
Qua kiểm tra, thanh tra bộ đã phát hiện, có doanh nghiệp đăng ký sử dụng nhiều nhất là 88.637 thuê bao di động. Theo thanh tra bộ, có nhiều nguyên nhân khiến SIM rác vẫn tồn tại, cụ thể là các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đã lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều SIM rồi bán SIM đã kích hoạt trước; lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát thông tin thuê bao đối với các thuê bao đăng ký theo doanh nghiệp, tổ chức...
Thanh tra cũng đã phát hiện các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Có tình trạng sao chép, trao đổi ảnh chụp chủ thuê bao, ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân giữa các chủ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Trước thực trạng này, thanh tra bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế tình trạng SIM rác.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng từ số thuê bao thoại thứ 4 trở lên trên mỗi mạng di động phải trả thêm phí quản lý thuê bao vượt mức nhằm đảm bảo việc đăng ký thuê bao khống và bán sim rác không còn có lợi nhuận.
Thanh tra bộ cũng đề xuất bổ sung quy định không cho phép chủ thuê bao tự kiểm tra thông tin thuê bao (thông qua nhắn tin 1414 và qua trang web) để tăng độ chính xác của thông tin thuê bao.
Ngoài ra, trong một lần nạp thẻ điện thoại cần yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu cùng ngày cấp để xác thực thông tin chủ thuê bao.
Người dùng chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu một lần khi nạp thẻ. Nếu thông tin thuê bao trùng khớp, những lần nạp tiền sau vào tài khoản sẽ diễn ra bình thường. Nếu thông tin không chính xác so với thông tin trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng, chủ thuê bao được thông báo đến điểm giao dịch của nhà mạng đó để cập nhật lại thông tin chính xác, sau đó mới có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Theo VTV