Rằm tháng Giêng mang ý nghĩa lớn nhất là cầu phúc; cũng là dịp các dòng họ thường tổ chức lễ tế tổ, tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, cầu mong sự hưng thịnh của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu.
Con cháu Biện tộc trong cả nước làm lễ tế tổ Quan Nghè Biện Hoành tại đền Quan Nghè Biện Hoành ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên).
1. Hàng năm, đúng vào rằm tháng Giêng, con cháu họ Hà khắp cả nước lại cùng nhau tụ hội về xã Sơn Thịnh (Hương Sơn) để tham gia lễ húy nhật cụ tổ. Riêng rằm tháng Giêng năm nay, con cháu họ Hà còn được đón thêm niềm vui lớn, đó là nhà thờ họ và mộ Hà Huy Quang (nơi thờ tự, tưởng niệm, tri ân và là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Huấn đạo Hà Huy Quang (1680-1754), một vị quan thanh liêm, có công khai hoang, lập ấp cả một vùng bãi bồi rộng lớn bên tả ngạn dòng sông Ngàn Phố) được đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố.
Cụ Hà Huy Đức, năm nay đã trên 80 tuổi, phấn khởi: “Bà con họ hàng thì đông nhưng di cư khắp nơi. Những dịp như thế này mới hội tụ được. Ngoài lễ tế tưởng nhớ công ơn tiền nhân và cầu phúc, anh em họ Hà còn động viên, giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động của quỹ khuyến học. Con cháu họ Hà đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và đỗ đại học sẽ được thưởng. Chúng tôi rất vui và tự hào là đến nay, con cháu họ Hà đã tiếp nối được truyền thống hiếu học của dòng họ. Hiện dòng họ đã có đến trên 30 giáo sư, tiến sỹ; có gia đình cả cha và con đều là tiến sỹ Toán học”.
2. Rằm tháng Giêng tưởng nhớ, tri ân tiên tổ cũng là dịp để con cháu họ Phan ở làng Phú Giáo (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) trổ tài làm mâm cỗ tế. Nét văn hóa này đã trở thành truyền thống của dòng họ được duy trì từ xa xưa đến nay. Và mỗi dịp lễ tế tổ đều có phần bình bầu, xếp loại mâm cỗ. Điều rất đặc biệt nữa là, dòng họ có truyền thống hát ca trù nên mỗi dịp tế tổ, con em dòng tộc lại được thưởng thức những tiết mục cây nhà lá vườn ấm áp tình quê hương.
Hoạt động văn hóa truyền thống hướng về nguồn cội càng gắn kết anh em họ tộc với nhau. Họ Phan làng Phú Giáo hiện có gần 700 đinh/250 hộ, rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, giới thiệu việc làm, nhất là về xuất khẩu lao động. Hiện có gần 100 con em họ Phan làng Phú Giáo đi xuất khẩu lao động theo con đường “anh em họ tộc giới thiệu” có thu nhập cao.
3. Rằm tháng Giêng, tại nhà thờ Bùi Quang ở tổ dân phố 15, thị trấn Cẩm Xuyên vui như ngày hội. Con cháu dòng họ cùng nhau sum vầy. Chị Nguyễn Thị Quý - một nàng dâu của dòng họ, tâm sự: “Tôi về làm dâu họ Bùi từ năm 1979. Trước đây, khi chưa thành lập tiểu ban khuyến học, chúng tôi chưa bao giờ đến nhà thờ họ. Dường như việc họ chỉ là của đàn ông. Giờ thì mỗi lần giỗ tổ hay đêm rằm tháng Giêng, tháng 7, tất cả con cháu đều về đây tụ họp. Gặp nhau tại nhà thờ, ngoài tế họ còn là dịp thể hiện sự quan tâm, vun đắp cho thế hệ tương lai…
Quỹ khuyến học nàng dâu của họ Bùi Quang được thành lập từ năm 2013, thu hút hầu hết các nàng dâu trong họ tham gia. Số tiền thu hàng năm không lớn nhưng các chị đã tổ chức được rất nhiều hoạt động ý nghĩa, từ động viên, khuyến khích con cháu học giỏi, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, đến thăm hỏi khi có người ốm đau, bệnh tật. Qua đó, tình anh em, họ hàng gắn bó keo sơn, cùng nhau xây dựng gia đình hiếu học, hạnh phúc.
Rằm tháng Giêng là thời điểm thiêng liêng để hội tụ, phát huy những giá trị văn hóa của dòng họ. Những giá trị văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở tình nghĩa sâu nặng giữa những người cùng huyết thống, gắn bó với nhau theo quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đó cũng chính là cơ sở cho tình yêu quê hương, đất nước, hun đúc ý chí, khát vọng phấn đấu, cống hiến với sức sống mãnh liệt của mùa xuân.