Tại các cửa hàng chuyên doanh, chợ truyền thống ở TP Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp những chiếc túi, đôi giày, kính mắt, quần áo mang thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Louis Vuiton, Gucci, Adidas, Dior, Chanel, Nike, Hermes, Celine, Prada… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Ghi nhận tại một quầy giày dép nam ở chợ TP Hà Tĩnh, những đôi giày thể thao mang thương hiệu Nike, Louis Vuiton, Adidas được bán với giá phổ biến từ 250.000 - 370.000 đồng. Theo lời quảng cáo của chủ quầy, dù mức giá rẻ nhưng những sản phẩm này rất nhẹ và êm chân, mẫu mã đang là “hot trend” của các thương hiệu lớn, được các bạn trẻ ưa chuộng.
Còn tại một cửa hàng giày dép, túi xách nữ trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh), hàng loạt chiếc túi đang “hot” trên thị trường mang các thương hiệu lớn như Pedro, Charles&Keith, Chanel, Louis Vuiton… có giá bán từ 250.000 – 470.000 đồng. Các sản phẩm giày dép tại đây có logo nhãn hiệu Zara, YSL, Gucci… cũng có giá tương tự. Những sản phẩm này thu hút rất nhiều người xem và chọn mua.
Trong khi, nếu là hàng chính hãng của thương hiệu, ai cũng đều biết rõ rằng những sản phẩm này sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói, không phải là những chiêu trò tinh vi, kinh doanh lén lút hay lừa dối người tiêu dùng mua hàng giả với giá hàng thật mà những sản phẩm giả mạo nhãn hiệu này được bày bán công khai. Người bán, người mua đều biết rõ là hàng giả nhưng vẫn kinh doanh và tiêu thụ.
Chị P.T.T – một tiểu thương kinh doanh túi xách tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Những chiếc túi mang thương hiệu nổi tiếng nếu hàng chính hãng giá quá cao, rất ít người có thể mua được, chủ yếu là những người nổi tiếng mới mua hàng thật. Trong khi chỉ với giá tiền vài trăm nghìn đồng, cao hơn thì khoảng 500 – 700.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc túi giống hệt hàng thật. Đây cũng là nhu cầu của người tiêu dùng nên “có cầu ắt có cung”.
Còn chị T.V. (nhân viên văn phòng tại TP Hà Tĩnh) cho biết: “Các sản phẩm hàng hiệu như giày, túi có mẫu mã đẹp, hợp thời nhưng giá chính hãng thì không thể mua được nên tôi đành mua hàng nhái. Là con gái nên có những món đồ, mình chỉ sử dụng vài lần rồi “cất tủ” nên khi mua hàng giá rẻ thì mình không bị “xót tiền”. Hơn nữa, những sản phẩm này không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên dù biết hàng giả mình vẫn “tặc lưỡi” mua, còn với hàng thực phẩm, mỹ phẩm thì mình chú ý về chất lượng hơn”.
Theo một số chủ kinh doanh và người tiêu dùng, tùy mức độ “fake” mà các sản phẩm giả nhãn hiệu này có giá khác nhau. “Các tín đồ hàng hiệu sẽ có những khái niệm như hàng siêu cấp, hàng rep 1:1, fake 1, fake 2… để chỉ mức độ giống với hàng thật. Sản phẩm càng được làm tỉ mỉ, chi tiết, có độ tương đồng với hàng nguyên bản càng cao thì giá càng cao, có thể có giá tới tiền triệu nhưng so với hàng thật thì còn rẻ hơn gấp nhiều lần”, bạn Nguyễn Vân - một người tiêu dùng ở TP Hà Tĩnh cho hay.
Thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tuy nhiên cũng chỉ là “bắt có bỏ đĩa”. Trên thị trường, những sản phẩm này vẫn được bày bán công khai. Có thể thấy, ngoài sự bất chấp của người kinh doanh vì lợi nhuận cao, chi phí thấp thì chính sự dễ dãi trong tiêu dùng và tâm lý sính hàng hiệu của một bộ phận người dân cũng là nguyên nhân tiếp tay cho hàng giả mạo nhãn hiệu tồn tại và gia tăng. Thực trạng này không chỉ làm gây thiệt hại lớn về uy tín, doanh thu, lợi nhuận của các thương hiệu, doanh nghiệp chân chính, ảnh hưởng quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn làm nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, dù đơn vị đã xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Trong công tác xử lý hàng giả nói chung và hàng giả mạo nhãn hiệu nói riêng hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định. Số lượng sản phẩm mỗi thương hiệu khi kiểm tra tại các cửa hàng không quá nhiều, trong khi để xác định một sản phẩm là hàng giả, cần phải giám định sản phẩm và có xác nhận từ doanh nghiệp sản xuất hoặc đơn vị đại diện thương hiệu tại Việt Nam. Quy trình này cần thời gian và chi phí giám định cao. Ngoài ra, chính tâm lý ưa chuộng hàng hiệu giá rẻ, biết hàng giả những vẫn mua của người tiêu dùng cũng đã tạo điều kiện cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.
Ngành chức năng khuyến cáo, cùng với sự vào cuộc của các lực lượng, người tiêu dùng cũng cần thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng, nói không với hàng giả, ưu tiên chất lượng thay vì hàng giá rẻ. Với các doanh nghiệp chân chính hoặc đơn vị đại diện thương hiệu, khi phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả, làm nhái, cần phải thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.
Theo nhiều doanh nghiệp, để xử lý triệt để vấn nạn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái, cần phải có chế tài và biện pháp mạnh hơn để tạo sức răn đe. Cùng đó, các lực lượng chức năng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn và quyết liệt hơn trong kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, người dân.