Y tá kiểm tra thân nhiệt của người bệnh tại Bệnh viện Westmead, Sydney, Australia, ngày 12/5. (Ảnh: Reuters). |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh vẫn lây lan không ngừng và thế giới chưa đạt đỉnh dịch. Nhiều nước đã phải tuyên bố ngừng hoặc rút kế hoạch mở cửa trở lại trước đà lây lan của dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của trang Worldometers.info, cập nhật đến 10h sáng nay (8/7) (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu gần đạt mốc 12 triệu người, trong đó có gần 550.000 trường hợp tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ, Brazil, Ấn Độ. Brazil hiện đứng đầu thế giới về số ca tử vong, trong khi Mỹ Latin và Caribe tiếp tục là tâm dịch thế giới với hơn 3 triệu ca.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua về tình hình dịch bệnh, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, tốc độ lây lan virus không có dấu hiệu chậm lại: “Thế giới đã phải mất 12 tuần để đạt đến con số 400.000 ca mắc. Tuy nhiên chỉ trong cuối tuần qua có hơn 400.000 ca mắc trên toàn cầu. Dịch bệnh vẫn lây lan không ngừng và rõ ràng là thế giới vẫn chưa đạt đỉnh dịch. Một số quốc gia đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm số người tử vong, trong khi ở các quốc gia khác, số người chết do Covid-19 vẫn đang gia tăng”.
Trong một diễn biến đáng lo ngại khi Tổ chức Y tế giới (WHO) hôm qua (7/7) thừa nhận có bằng chứng về khả năng virus lây truyền qua không khí. WHO trước đó cho rằng virus gây bệnh đường hô hấp Covid-19 lan truyền chủ yếu qua những giọt bắn nhỏ phát ra từ mũi và miệng của người mắc bệnh và sẽ nhanh chóng rơi xuống đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng virus có thể lây truyền ở khoảng cách xa hơn 2m.
Chuyên gia hàng đầu về ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức Y tế thế giới bà Benedetta Allegranzi nhận định: “Có những bằng chứng về các thông tin này và chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu tác động đối với phương thức lây truyền Covid-19 cũng như biện pháp phòng ngừa cần thiết được đưa ra. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên tránh các địa điểm đông người và khép kín. Đảm bảo nhà cửa thông thoáng và tại nơi công cộng thì nên sử dụng khẩu trang”.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng bất kỳ thay đổi nào trong đánh giá rủi ro lây truyền của Tổ chức Y tế thế giới có thể ảnh hưởng đến khuyến nghị hiện tại của tổ chức này về việc giữ khoảng cách 1m. Các nước dựa vào hướng dẫn của WHO cũng có thể phải điều chỉnh các biện pháp y tế cộng đồng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.
Dịch Covid-19 không xác định biên giới hay vị thế của người nhiễm bệnh. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là lãnh đạo quốc gia mới nhất xác nhận dương tính với Covid-19. Trong khi đó, một nghiên cứu mới của Tây Ban Nha cho thấy, miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2 là không thể có được và các biện pháp giữ khoảng cách vật lý, vệ sinh và đeo khẩu trang vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Lo ngại tình hình dịch có chiều hướng phức tạp, nhiều quốc gia đã hoãn hoặc ngừng kế hoạch mở cửa trở lại. Tới ngày 7/7, ít nhất 24 tiểu bang của Mỹ đã ngừng hoặc rút các kế hoạch mở cửa lại, trong khi tại châu Âu, Serbia thông báo nước này sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô Belgrade với cảnh báo tình hình dịch bệnh đang ở mức báo động. Chính quyền thành phố Melbourne, lớn nhất bang Victoria của Australia cũng sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa từ nửa đêm hôm nay sau khi số ca mắc tại đây đang tăng nhanh trở lại.
Với lo ngại về tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu hạ nhiệt và khả năng các nước có thể dừng mở cửa hoặc tái áp đặt phong tỏa trở lại, thị trường chứng khóan thế giới hôm qua chìm trong sắc đỏ.