Thủ tướng Anh quyết mở lại trường học từ đầu tháng 6

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, từ ngày 1/6, một số trường học tại Anh sẽ mở trở lại, bắt đầu từ cấp tiểu học.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các trường học tại Anh sẽ lần lượt mở lại từ ngày 1/6, bất chấp nhiều ý kiến phản đối cho rằng diễn biến dịch Covid-19 tại Anh hiện nay vẫn chưa đủ an toàn để đưa học sinh trở lại trường học.

Thủ tướng Anh quyết mở lại trường học từ đầu tháng 6

Các trường học tại Anh vẫn đang đóng cửa (Ảnh: The Guardian)

Trong thông báo đưa ra tại cuộc họp báo thường nhật về dịch Covid-19 tại Anh chiều tối 24/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, từ ngày 1/6, một số trường học tại Anh sẽ mở trở lại, bắt đầu từ cấp tiểu học.

Đến ngày 15/6, lớp học của học sinh trong nhóm 10 tuổi và 12 tuổi sẽ lần lượt mở lại do đây là nhóm cần chuẩn bị cho kỳ thi năm tới. Tiếp đến sẽ là lớp học của sinh viên đại học.

Theo Thủ tướng Anh, bất chấp việc còn nhiều tranh cãi về mức độ an toàn, việc sớm mở lại các trường học là yếu tố vô cùng quan trọng cho các học sinh và bản thân ông tin rằng, nước Anh đã đủ điều kiện để bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19.

“Như một phần của giai đoạn 2, chúng tôi lên kế hoạch mở lại trường học, bởi lẽ giáo dục cho trẻ em có ý nghĩa cấp bách đối với hạnh phúc, với sức khoẻ, với tương lai lâu dài của trẻ cũng như với sự công bằng xã hội. Và cũng như cách tiếp cận đã được áp dụng tại nhiều nước khác, chúng tôi sẽ đưa trẻ trở lại lớp học một cách an toàn nhất và có thể quản lý được”, Thủ tướng Anh phân tích.

Tuy nhiên, bất chấp quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson, một số địa phương tại Anh, vốn có thẩm quyền quản lý cấp tiểu học, đã ra thông báo sẽ không mở lại các trường học cho đến ít nhất là ngày 15/6, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Anh dù đã qua giai đoạn khốc liệt nhất nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Trong ngày 24/5, nước Anh vẫn có thêm 118 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 36.793 ca, cao nhất châu Âu và thứ hai thế giới, khiến chính phủ của ông Boris Johnson bị chỉ trích gay gắt.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, sức ép lớn nhất đối với Thủ tướng Boris Johnson là vụ việc liên quan đến cố vấn cao cấp Dominic Cummings.

Ông Dominic Cummings bị cáo buộc là đã đã vi phạm quy định về phong toả của chính phủ Anh khi di chuyển đến hơn 400km khỏi nhà riêng trong thời gian chính phủ Anh ra lệnh cho người dân ở lại trong nhà và chỉ được ra ngoài làm các việc cực kỳ thiết yếu.

Trong tối ngày 24/5, Thủ tướng Boris Johnson đã lên tiếng bảo vệ cố vấn Dominic Cummings, khi cho biết ông tin tưởng ông Cummings đã hành động có trách nhiệm. Tuy nhiên, các đảng đối lập và công chúng Anh đang giận dữ, gây sức ép buộc ông Dominic Cummings từ chức.

Đây sẽ là thách thức lớn cho chính phủ Anh bởi ông Dominic Cummings là cố vấn cao cấp nhất của Thủ tướng Boris Johnson và được xem là một trong những người có quyền lực nhất hiện nay bên cạnh Thủ tướng Anh. Ông Cummings là kiến trúc sư cho kế hoạch Brexit cũng như chiến lược tranh cử của ông Boris Johnson hồi tháng 12/2019.

Trước ông Dominic Cummings, cách đây 3 tuần, một cố vấn uy tín khác của chính phủ Anh là Neil Ferguson, giáo sư trường Hoàng gia London, người cố vấn cho chính phủ Anh về chiến lược đối phó Covid-19, cũng đã phải từ chức vì vi phạm quy định phong toả.

Theo VOV

Đọc thêm

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.