Thủ tướng Anh: Tôi nợ y bác sĩ mạng sống

Thủ tướng Anh Johnson bày tỏ biết ơn các y bác sĩ tại bệnh viện St Thomas sau những ngày được chăm sóc tích cực vì Covid-19.

“Không có lời cảm ơn nào là đủ. Tôi nợ họ mạng sống của mình”, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay nói với một người bạn, đề cập tới các y bác sĩ tại bệnh viện St Thomas ở London, thêm rằng quá trình chăm sóc ông rất “tuyệt vời”.

Thủ tướng Anh được đưa tới bệnh viện St Thomas hôm 5/4 vì “những triệu chứng dai dẳng” sau 10 ngày nhiễm nCoV. Một ngày sau, tình trạng của ông chuyển biến xấu và Johnson được đưa vào phòng chăm sóc tích cực.

Thủ tướng Anh: Tôi nợ y bác sĩ mạng sống

Thủ tướng Johnson bên ngoài tòa nhà số 10 phố Downing hôm 2/4. Ảnh: AFP.

Thủ tướng 55 tuổi rời phòng chăm sóc tích cực hôm 9/4, song vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị Covid-19. Ông đã có thể tự ngồi dậy đọc sách và đi được một đoạn ngắn. “Tình hình sức khỏe của ông đang tiến triển rất tốt”, phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay.

Boris Johnson là lãnh đạo cấp cao đầu tiên trên thế giới phải điều trị tích cực vì nCoV, trong bối cảnh Covid-19 ngày càng lan rộng khắp thế giới. Anh hiện ghi nhận gần 80.000 ca nhiễm và gần 10.000 người chết do nCoV.

Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục. Họ nhận định các cuộc tranh luận về “miễn dịch cộng đồng” ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn chặn dịch.

Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1,8 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 108.000 người chết và hơn 401.000 người đã hồi phục.

Theo VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.