Các chốt kiểm dịch trong vùng có DTLCP được bố trí trực 24/24h
Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ - “mồi lửa” dịch bệnh
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 38.000 hộ chăn nuôi tập trung với quy mô dưới 10 con/hộ (chiếm 60% tổng đàn lợn toàn tỉnh). Không thể phủ nhận, thời gian qua, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đã làm tốt vai trò duy trì, phát triển tổng đàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, hạn chế đối với chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, gia trại chính là nằm chủ yếu trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, khó mở rộng quy mô để đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến; thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi, liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp …
60% đàn lợn ở Hà Tĩnh được chăn nuôi nhỏ lẻ
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Trong khi chăn nuôi nông hộ phân tán, kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn môi trường khó khăn thì ý thức người chăn nuôi chưa đồng đều. Phần lớn người dân chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, nên vật nuôi dễ bị các loại dịch bệnh tấn công”.
Đặc biệt, nhiều người vì thói quen tận dụng thức ăn thừa, tiết giảm chi phí, phần khác, sự nhận thức sai lầm về thịt lợn sạch mà “nước rác” trở thành thức ăn quen thuộc của đàn lợn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, theo Tổ chức Thú y thế giới, việc sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt chiếm đến 60% nguồn gây xâm nhiễm và lây lan dịch tả lợn châu Phi. Những điều này đang khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan và xâm nhiễm trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng phức tạp, khó lường.
Hiện nay, tất cả các ổ DTLCP trên địa bàn Hà Tĩnh đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán
Và, câu trả lời cho thực trạng chăn nuôi ở Hà Tĩnh chính là 13 ổ dịch tả lợn châu Phi đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Và không phải đến bây giờ, chăn nuôi nhỏ lẻ mới bộc lộ hạn chế trước khả năng chống chịu với dịch bệnh và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Trước đó, dịch tai xanh, lở mồm long móng và kể cả "bão" giá cũng đã khiến người dân lao đao, rơi vào nợ nần.
Liên kết theo chuỗi – xu thế tất yếu trong tái cơ cấu ngành
Trước tình trạng nguy cấp như DTLCP, giải pháp số 1 mà ngành chăn nuôi đưa ra chính là người chăn nuôi phải tự cứu lấy mình. Nói cách khác là phòng dịch từ chuồng nuôi.
Bà Trần Thị Nhị (xã Thạch Hội, Thạch Hà) có đàn lợn 20 con, từ ngày xã giáp ranh Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) bị dịch, bà quyết “đóng cửa chuồng”. “Tất cả các khu vực ra - vào chuồng đều rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng và hạn chế người vào. Còn khoảng thời gian ngắn nữa là đến kỳ xuất bán, chắc tôi cũng sẽ giảm đàn một thời gian”.
Thạch Hà thực hiện chốt chặn, cảnh báo ở 73 chốt kiểm dịch
Chiến dịch “5 không” đã được áp dụng toàn bộ các hộ chăn nuôi ở Thạch Hà. Hiện nay, toàn huyện thành lập 73 chốt kiểm dịch và cảnh báo, đồng thời tăng kênh tuyên truyền để tạo ý thức cho người chăn nuôi.
Ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Các chốt kiểm dịch vừa làm nhiệm vụ chốt chặn các phương tiện vào - ra thì cũng là cách tuyên truyền sinh động nhất cho người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của DTLCP. Bên cạnh đó, vận động người chăn nuôi giảm đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Huyện sẵn sàng trích kinh phí để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch”.
Tiếp đó, nhiệm vụ bao trùm của ngành chăn nuôi và các địa phương lúc này là kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn trên địa bàn. Con lợn đủ điều kiện giết mổ là khi được vận chuyển bằng phương tiện đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vật nuôi khỏe, có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP. Đối với lợn từ tỉnh ngoài vào địa bàn còn phải có thêm giấy chứng nhận kiểm dịch ra khỏi địa bàn.
Phun tiêu độc khử trùng các phương tiện vào ra địa bàn
Những giấy tờ này vốn không phải là thêm, mà bởi lâu nay công tác quản lý còn bị “nới lỏng”. Việc tuân thủ quy trình một cách nghiêm túc là cơ hội để ngành chăn nuôi “thanh lọc” và phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên quy hoạch trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và liên kết sản xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi lợn tập trung, có liên kết từ khâu chọn giống, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm là xu hướng tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi cũng như yêu cầu của thị trường”.
Trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap của ông Nguyễn Văn Sửu (xã Tân Lộc - Lộc Hà)
Không phải là những người tiên phong trong chăn nuôi lợn nhưng ông Nguyễn Văn Sửu (xã Tân Lộc, Lộc Hà) lại chọn hướng đi “khó” - xây dựng theo VietGap. “Trang trại được công nhận sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng sạch VietGAP theo quy định của Bộ NN&PTNT. Quy mô trang trại đảm bảo mô hình chăn nuôi lợn đúng mẫu, khép kín, ứng dụng công nghệ hiện đại. Sản phẩm khép kín từ nguồn giống đến thương phẩm nên khi dịch bệnh đến chúng tôi có thể chủ động sớm các biện pháp phòng tránh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và xem xét thị trường tiêu thụ, hạn chế một phần thiệt hại trong chăn nuôi”.
Tuy nhiên, để tăng cường tính liên kết trong sản xuất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và chính những hộ chăn nuôi. Trong đó, điểm quan trọng là hình thành những mô hình chăn nuôi lợn khép kín theo quy hoạch vùng, xã trọng điểm sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm. Đồng thời, từng bước áp dụng công nghệ cao, sạch vào sản xuất để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, có khả năng thích ứng kịp với sự thay đổi của thị trường - ông Hùng cho biết thêm.