Dù đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Lộc Hà vẫn chưa "hạ nhiệt"
Ông Biện Lương Hiền - Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ Lộc Hà cho biết: “Không phải bây giờ mà “điểm nóng” sinh con thứ 3 ở Lộc Hà đã tồn tại nhiều năm nay. Việc khắc phục tình trạng này đã được chúng tôi đặc biệt quan tâm, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn chuyển biến không đáng kể, năm 2017 là 34,68% và năm nay gần 34%”.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, những khó khăn trong công tác giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Lộc Hà phần lớn vẫn là do tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường, có thêm lao động để làm nghề biển.
Chị Nguyễn Thị Tuyết - cán bộ dân số xã Thạch Bằng cho biết: “Cũng vì tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ” mà việc tuyên truyền cho người dân gặp không ít khó khăn. Đó cũng chính là lý do nhiều năm nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Thạch Bằng vẫn còn ở mức cao. Năm nay là 45%”.
Tư vấn tại các chiến dịch chăm sóc sức khỏe - một trong những giải pháp ngành Dân số thực hiện góp phần ổn định quy mô dân số
Nguyên nhân gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Lộc Hà còn có sự tác động từ tình trạng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ đầu ngành vi phạm chính sách dân số. Theo báo cáo của Trung tâm DS/KHHGĐ huyện, năm nay, Lộc Hà có 18 cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3. Trong tổng số trẻ là con thứ 3 được sinh ra trong năm (400 cháu) thì con của cán bộ, đảng viên chỉ chiếm một phần rất nhỏ, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến người dân.
Chị Lê Thị Hoan - cán bộ dân số xã Hộ Độ cho biết: “Năm nay, Hộ Độ có 2 cán bộ, đảng viên công tác ở UBND xã sinh con thứ 3, nên việc tuyên truyền vốn đã khó, nay lại càng khó hơn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Hộ Độ hiện là 36%, trong số đó có nhiều trẻ là con thứ 4, thứ 5”.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động các giải pháp thực hiện chính sách DS/KHHGĐ gặp một số khó khăn do tác động từ công tác sáp nhập, tinh gọn bộ máy. “Theo kế hoạch của huyện, năm tới, Trung tâm DS/KHHGĐ sẽ sáp nhập với Trung tâm Y tế dự phòng; đội ngũ cán bộ dân số cấp xã cũng sẽ được tinh gọn bằng cách kiêm nhiệm hoặc cho nghỉ nếu không đạt yêu cầu về bằng cấp”.
Cùng với cán bộ dân số cấp xã, tại các thôn, cộng tác viên dân số cũng phải kiêm nhiệm nhiều chức danh, nhiều đầu việc hơn nhưng thù lao không đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả làm việc. Hiện, tình trạng chuyên trách dân số bỏ việc cũng đã diễn ra ở xã Tân Lộc.