Diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Lào, Campuchia và Thái Lan

(Baohatinh.vn) - Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Lào nhiều ngày liền dao động quanh mốc 1.000 ca, chủ yếu đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Campuchia liên tục ở mức thấp, dưới 50 ca.

Diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Lào, Campuchia và Thái Lan

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến nước này thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD. (Ảnh: Khmer Times)

Báo Khmer Times dẫn thông cáo chính thức của Bộ Y tế Campuchia ngày 23/11 cho biết, trong 24h qua, nước này phát hiện thêm 39 ca mắc mới COVID-19 (dựa theo kết quả xét nghiệm RT-PCR) và 4 người tử vong.

Trong số các ca nhiễm mới có 6 ca nhập cảnh và 33 ca lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia kể từ đầu dịch là 119.943, trong đó có 2.909 ca tử vong.

9 tháng kể từ sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2” gây nên làn sóng dịch COVID-19 lớn tại Campuchia, nước này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ. Nhờ thành công trong chiến dịch tiêm chủng, Campuchia đang mở cửa trở lại và khôi phục dần các hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực. Nước này đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho gần 90% dân số.

Song, theo báo Khmer Times, đại dịch COVID-19 đã để lại những tổn thất nặng nề cho đất nước. Bên cạnh gần 3.000 người thiệt mạng do virus SARS-CoV-2, đại dịch còn tác động lớn đến các lĩnh vực sản xuất và du lịch của Campuchia. Thủ tướng Hun Sen hôm nay tuyên bố rằng, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến Campuchia thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD .

Trong khi đó tại Lào, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 1.323 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 6 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Liên tiếp nhiều ngày qua, số ca nhiễm hàng ngày tại Lào ở mức cao, dao động quanh mốc 1.000 ca/ngày.

Hai địa phương có số ca nhiễm mới COVID-19 cao nhất là Thủ đô Vientiane (592 ca), Luang Prabang (199 ca). Đáng chú ý, tỉnh Bolikhamxay giáp Hà Tĩnh hôm nay báo cáo thêm 116 ca nhiễm mới được phát hiện tại 6 huyện, cao thứ 3 ở Lào. Tỉnh láng giềng Khammuan cũng giáp Hà Tĩnh báo cáo thêm 6 ca nhiễm mới tại thị xã Thakhek và huyện Hinboun.

Kể từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Lào vào cuối tháng 3/2020, đến nay, Lào đã ghi nhận 64.482 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2; 137 trường hợp tử vong; 11.239 người đang được điều trị.

Hiện các trung tâm tiêm chủng ở Lào đã bắt đầu triển khai tiêm phòng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Người dân có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Tính đến ngày 21/11, đã có 6,7 triệu người được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 tại Lào. Trong đó, 3,07 triệu người được tiêm chủng đầy đủ và 3,69 triệu người được tiêm mũi đầu tiên. Thủ đô Vientiane và Bokeo có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất với số người được tiêm chủng đầy đủ lần lượt là 70,6% và 61,2%.

Tại Thái Lan, theo báo Bangkok Post, trong 24h qua, đất nước này ghi nhận thêm 5.126 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Thái Lan kể từ đầu dịch lên 2.076.135 trường hợp.

Diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Lào, Campuchia và Thái Lan

Một phụ nữ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Cũng trong ngày qua, có thêm 53 người tử vong do COVID-19 tại Thái Lan, nâng tổng số ca tử vong do nCoV tại nước này lên 20.489 trường hợp.

Kể từ khi Thái Lan mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ từ các quốc gia có nguy cơ thấp đến du lịch mà không cần phải cách ly hôm 1/11, có 90.737 du khách đã đến nước này bằng đường hàng không và 118 người trong số này (chiếm tỷ lệ 0,13%) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

(Theo KPL, Khmer Times, Bangkok Post)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.