Nhiệm kỳ qua, trên cơ sở nghị quyết xây dựng luật, Đoàn ĐBQH đã lấy ý kiến cử tri, người dân và tham vấn các ý kiến của chuyên gia về lĩnh vực có tính chuyên môn. Các ý kiến đều được Đoàn tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật và gửi đến các đại biểu trong Đoàn làm tài liệu nghiên cứu phát biểu tại Quốc hội.
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Với các dự án luật có sự tác động lớn hoặc ý kiến khác nhau, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tổ chức gần 30 hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề và lấy ý kiến pháp luật cụ thể: Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Quản lý thuế, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...
Đoàn cũng tổ chức hội nghị tại nhiều sở, ngành liên quan đến sự điều chỉnh, tác động của luật để nghe, trao đổi những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau nhằm tích hợp thông tin tổng quan, đa chiều.
Ngoài ra, các ĐBQH Hà Tĩnh với tư cách là thành viên của các Ủy ban Pháp luật, Ủy ban về các Vấn đề xã hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Đối ngoại tham gia thẩm tra các dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội đều được các Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao.
Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tại một buổi tiếp xúc cử tri với 5 xã, phường vùng ngoài của TX Kỳ Anh. Ảnh Thu Trang.
Trước những vướng mắc, bất cập của luật, tại nghị trường, các ĐBQH Hà Tĩnh đã tích cực tham gia phát biểu, tranh luận góp ý thẳng thắn, trách nhiệm vào vấn đề của các luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, góp phần nâng cao chất lượng luật. Cụ thể như: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Luật Quản lý thuế, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, với quyết tâm đổi mới và nâng cao năng lực lập pháp, các ĐBQH Hà Tĩnh đã tham gia thảo luận tại tổ, hội trường hầu hết tất cả các luật, trong đó có nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết sâu sắc.
Trong đó, phải kể đến ý kiến nhằm giúp hươu sao được chính thức đưa vào danh mục vật nuôi ở Điều 67 của Luật Chăn nuôi (tại Kỳ họp thứ 6); góp ý về việc quy định “Chế độ, chính sách ưu tiên cấp đất, nhà ở xã hội cho gia đình cán bộ, chiến sỹ đến định cư ở biên giới, hải đảo và hậu phương của cán bộ, chiến sỹ biên phòng trong luật để cán bộ, chiến sỹ an tâm công tác, cống hiến, hy sinh” (tại Kỳ họp thứ 9)…
Ý kiến của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã góp phần giúp hươu sao được chính thức đưa vào danh mục vật nuôi ở Điều 67 của Luật Chăn nuôi; từ đó tạo điều kiện cho Nhân dân Hà Tĩnh và các địa phương khác đưa sản phẩm nhung hươu xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Ngoài ra, đối với một số dự án luật chưa đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, chưa thực sự cấp bách, cần thiết như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu Hà Tĩnh đã có ý kiến đề nghị Quốc hội tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, qua đó tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã không ban hành các dự án luật này.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia xem xét cho ý kiến 75 dự án luật, tổng hợp trên 150 văn bản ý kiến góp ý các dự án luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn đã cùng tham gia với Quốc hội bấm nút thông qua 75 luật, trong đó phần lớn các văn bản được ban hành hoặc là sửa mới, hoặc sửa một cách toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật nước ta trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định, tính dự báo chưa cao, chất lượng chưa bảo đảm; việc sửa đổi, bổ sung còn nhiều; một số luật còn chồng chéo, thiếu tính khả thi; một số luật chậm ban hành.
Bởi vậy, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.