Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 10/11, Quốc hội tổ chức thảo luận tổ góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ sôi nổi, trách nhiệm cùng các tỉnh Vĩnh Long, Lai Châu, Bắc Kạn.
Phát biểu tại tổ, các đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nhất trí với các nội dung nêu trong dự thảo các văn kiện trình đại hội, nhất là các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đoàn cũng đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo lần này, như: đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên trước tiên; nhấn mạnh tính cầm quyền của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động, qua đại hội Đảng các cấp, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, đề cập thẳng thắn nhiều vấn đề để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện.
Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, báo cáo cần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn nền giáo dục quốc dân hiện nay, đánh giá hệ thống trường lớp các cấp học và việc phát huy hiệu quả giáo dục theo các vùng miền để có các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp.
Đại biểu Trần Đình Gia tham gia góp ý vào văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại biểu cho rằng, giáo dục đại học có thời kỳ phát triển ồ ạt về số lượng, đào tạo ngành nghề không phù hợp nên nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Do đó, cần tổng kết đánh giá, xác định đào tạo phải phù hợp theo nhu cầu lao động và lợi thế vùng miền.
Về phát huy văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị báo cáo cần làm rõ văn hoá là sức mạnh nội sinh, đóng góp của văn hoá cho phát triển kinh tế và xây dựng hình ảnh, vị thế Việt Nam; cần định hướng tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc trong tất cả các tầng lớp nhân dân; tăng cường, quan tâm đến tinh thần đoàn kết tự tôn dân tộc, mối quan hệ giữa các tầng lớp, tôn giáo, dân tộc.
Trên lĩnh vực kinh tế, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cần đặc biệt quan tâm đánh giá công tác quản lý nhà nước về lý đất đai, tài nguyên, môi trường, rừng, khoáng sản, biến đổi khí hậu...
Liên quan đến nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị dự thảo cần làm sâu sắc hơn về chất lượng ban hành nghị quyết, nhất là việc cụ thể hoá nghị quyết qua các cấp, ngành. Thời gian qua, năng lực ban hành nghị quyết của các tổ chức Đảng còn hạn chế, năng lực cụ thể hóa nghị quyết vào thực tiễn rất khó khăn...
Về xây dựng tổ chức Đảng, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cần tổng kết, nghiên cứu một cách toàn diện mô hình kết hợp sáp nhập cơ quan đảng với cơ quan nhà nước. Những mô hình này nhiều nơi không đạt yêu cầu, biên chế không giảm mà chỉ giảm cấp trưởng xuống cấp phó; ngân sách nhà nước tăng do phải tăng chi phụ cấp công tác Đảng cho cán bộ cơ quan nhà nước; sáp nhập quy mô lớn các quy trình hành chính phiền phức hơn, hiệu quả công việc thực tế không thay đổi. Do đó cần tổng kết để có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Về báo cáo thi hành Điều lệ Đảng, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cần có chuyên đề sâu nghiên cứu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, việc chuẩn bị nội dung cho sinh hoạt hết sức hạn chế: sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư thường chú trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, ở cơ quan, trường học lại tập trung vào chuyên môn dẫn đến sinh hoạt về xây dựng Đảng, về tư tưởng, công tác phê bình, tự phê bình... hiệu quả chưa cao.
Đại biểu Trần Đình Gia thông tin: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã có văn bản hướng dẫn chấm điểm từng buổi sinh hoạt chi bộ, đạt trên 90 điểm mới được đánh giá tốt, các tiêu chí đánh giá gồm số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt, công tác chuẩn bị, nội dung sinh hoạt, các đảng viên tham gia đóng góp ý kiến như thế nào…
Đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề và đề nghị một số nội dung về công tác đảng viên như: xem xét quy trình thủ tục phát triển đảng viên ở Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; quy định đánh giá xếp loại đảng viên phải thực chất hơn...