|
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, 5 năm qua, Hà Tĩnh đã sôi nổi hưởng ứng và phát động phong trào thi đua yêu nước rộng khắp. Những kết quả và thành tựu đạt được góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng trò chuyện với các đại biểu bên lề Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Giang Nam
Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, phong trào thi đua yêu nước đã được phát động sôi nổi, rộng khắp, đạt kết quả toàn diện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Có thể nói, 5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Tiêu biểu là các phong trào: “Thi đua thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH”, “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Dạy tốt, học tốt”; “Thi đua Quyết thắng“,”Vì an ninh Tổ quốc“;”Dân vận khéo“;”Ngày vì người nghèo“; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”... Các phong trào thi đua đã bám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc”Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được nhiều doanh nghiệp thực hiện sôi nổi, hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh. Ảnh: Kiều Minh
Nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng, thực sự đi vào lòng dân, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp; nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng. Nhờ đó, đã tập hợp, thu hút các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vượt khó vươn lên, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương.
Giai đoạn 2015-2020, KT-XH tỉnh nhà đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân: Quy mô nền kinh tế gấp 1,5 lần so với năm 2015; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên. GRDP bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên trên 70 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng/năm... Kết quả đó là sự nỗ lực thi đua của cả hệ thống chính trị, trong đó có công sức của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp.
Phong trào nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất, đã thay đổi diện mạo làng quê ở Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hoài - Quang Sáng
Trong đó, phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và được người dân tích cực hưởng ứng, tạo nguồn lực to lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi. Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) vượt chỉ tiêu và về đích trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Toàn tỉnh có 86,3% số xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM; 15 xã NTM nâng cao; 3 xã đang tích cực để đạt NTM kiểu mẫu; TP Hà Tĩnh được công nhận đô thị loại II; các thị xã: Hồng Lĩnh, Kỳ Anh được công nhận đô thị loại III; TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đạt kết quả nổi bật, với cách làm chủ động, sáng tạo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng toàn diện chương trình xây dựng NTM.
Không khí sản xuất tại Nhà máy sợi Haivina Hồng Lĩnh.
Thực hiện các phong trào thi đua: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất” và “Doanh nghiệp Hà Tĩnh hội nhập và phát triển”, 5 năm qua, lĩnh vực công nghiệp có bước tăng trưởng đột phá về quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân đạt 46,67%, cao nhất từ trước tới nay. Tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh, từ 12,4% lên 38,9%. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương
Xuất khẩu thép cuộn tại cảng Sơn Dương. Ảnh: Thanh Hải
Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế. Một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công, hoàn thành và bước đầu phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp theo hướng tập trung gắn với xây dựng NTM; xuất hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn đầu tư đa dạng vào các lĩnh vực. Thương mại, dịch vụ từng bước phục hồi sau sự cố môi trường biển; hạ tầng thương mại phát triển tích cực; xuất khẩu tăng trưởng đột phá. Năm 2016, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng trưởng âm (-6,1%). Từ năm 2017 đến nay, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân đạt 5,5%.
Xuất khẩu tăng mạnh, tốc độ tăng bình quân hằng năm 56,42%; năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2015. Thị trường hàng hóa ổn định, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được tăng cường và đi vào chiều sâu.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa, ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Giai đoạn 2015-2020, Hà Tĩnh có 485 học sinh giỏi quốc gia, nằm trong top 5 tỉnh có tỷ lệ học sinh đạt giải cao nhất cả nước; số học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi THPT quốc gia ngày càng cao. Ngành y tế với phong trào thực hiện tốt 12 điều y đức, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đã có những chuyển biến mới. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, các thiết bị y tế, kỹ thuật công nghệ cao được áp dụng vào khám chữa bệnh mang lại hiệu quả lớn...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Giám đốc Quỹ khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du trao bằng khen và học bổng cho học sinh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020. Ảnh: Giang Nam
Phong trào thi đua “Cả tỉnh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với những nội dung, chương trình hành động cụ thể, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% đầu nhiệm kỳ xuống còn 4,53% (năm 2019), dự kiến đến cuối năm 2020 đạt dưới 3%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 5,06% (năm 2019), dự kiến đến cuối năm 2020 đạt dưới 5%.
Hà Tĩnh đã xây dựng được 124 CLB dân ca ví, giặm hoạt động hiệu quả, góp phần bảo tồn di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Ảnh: Quang Sáng
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng NTM, đô thị văn minh” và “Toàn dân tham gia rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ” trở thành hoạt động thường xuyên, được Nhân dân hưởng ứng tích cực; các hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và sinh động, phát huy bản sắc văn hóa của đất và người Hà Tĩnh.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Đã có hàng ngàn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa. Công tác khen thưởng được các cấp, ngành thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước thời gian qua là rất lớn, song, vẫn còn những hạn chế nhất định. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; một số phong trào lan tỏa chưa cao; công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến; đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều.
Cầu Cửa Hội là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng, tạo động lực phát triển KT -XH, đảm bảo QPAN của khu vực Đông Nam tỉnh Nghệ An và Đông Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đặng Thiện Chân
Với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo, thi đua sâu rộng, hiệu quả, xây dựng Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững", thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã hội tiến bộ, bảo đảm QPAN, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025, tỉnh đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Chăm sóc đường hoa nông thôn mới ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên). Ảnh: Huy Tùng
Để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025, cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Công tác thi đua, khen thưởng phải huy động được cả hệ thống chính trị, mọi cấp, mọi ngành, mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp Nhân dân cùng tham gia; tất cả hướng đến vì mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh ngày càng phát triển nhanh, văn minh, hiện đại và bền vững. Trong đó, các cấp ủy Đảng đóng vai trò lãnh đạo, đề ra chủ trương, mục tiêu; chính quyền các cấp đề ra chính sách cụ thể; MTTQ và các hội, đoàn thể tập hợp, hướng dẫn, động viên các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền trao giấy chứng nhận cho 32 cá nhân điển hình tiên tiến ngành ngân hàng giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Thái Oanh
Công tác thi đua phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Mục tiêu thi đua tập trung vào việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Hình thức thi đua phải đa dạng, phù hợp để mọi người dễ hiểu, tạo thuận lợi trong việc tham gia đánh giá, suy tôn.
Công tác khen thưởng phải thực sự đổi mới để mỗi hình thức khen thưởng đều thực sự khích lệ, động viên được các tập thể, cá nhân tích cực làm việc, nỗ lực phấn đấu; chú trọng động viên các lĩnh vực hoạt động, các vùng miền khó khăn, kịp thời động viên những việc làm tốt, những gương điển hình, ưu tiên tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP huyện Kỳ Anh.
Để cụ thể hóa các nội dung, phong trào thi đua, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể như: Nâng cao chất lượng và tăng cường công tác quản lý quy hoạch; tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, tiếp tục cơ cấu lại nội ngành các lĩnh vực kinh tế; xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM; phát triển các thành phần kinh tế; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, nhất là hạ tầng nông thôn kết nối đô thị, hạ tầng số, nước sạch, vệ sinh môi trường, hình thành các trục phát triển; thu hút và đẩy nhanh các dự án trọng điểm…
Lãnh đạo huyện Hương Khê tặng hoa và giấy chứng nhận điển hình tiên tiến cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Dương Chiến
Chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua để làm cơ sở xem xét công nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể và cá nhân. Có kế hoạch cụ thể từng năm, từng giai đoạn để phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến; thực hiện đồng bộ tất cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng điển hình tiên tiến. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng phải dựa trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, được dư luận xã hội đồng tình.
Những thành tựu nổi bật của Hà Tĩnh trong những năm qua đều gắn liền với việc tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2020 - 2025), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Chủ tịch hội đồng thi đua - khen thưởng tỉnh
ảnh: PV - CTV
thiết kế: huy tùng