Đôi bàn tay mẹ

(Baohatinh.vn) - Đôi bàn tay mẹ chẳng cần phô trương mà lặng thầm chứa đựng cả biển trời yêu thương chất chứa. Để giờ đây, dù đã trưởng thành, nhưng kỷ niệm về đôi bàn tay mẹ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi...

Nếu bắt gặp một ai đó hỏi rằng, nhớ về mẹ, tôi sẽ nhớ điều gì nhất, hẳn tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: Mẹ là cả bến bờ yêu thương của đời tôi. Và hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi chính là đôi bàn tay của mẹ - đôi tay lưu dấu bao yêu thương xen lẫn những nhọc nhằn, hy sinh.

Đôi bàn tay của mẹ - đôi tay lưu dấu bao yêu thương xen lẫn những nhọc nhằn, hy sinh. (Ảnh minh họa).

Đôi bàn tay của mẹ - đôi tay lưu dấu bao yêu thương xen lẫn những nhọc nhằn, hy sinh. (Ảnh minh họa).

Đôi bàn tay ấy đã chăm sóc chị em tôi từ những ngày đầu tiên mới chào đời, chập chững bước đi cho đến lúc trưởng thành. Mỗi khi đi xa trở về, tôi thường nắm đôi bàn tay mẹ áp vào mặt mình, để nghe những chai sần trên đôi tay gầy guộc ấy cọ xát vào má mà nghe lòng thổn thức những yêu thương.

Thuở mẹ sinh ra anh em tôi, cha đang là quân nhân xa nhà. Một tay mẹ lo toan nội ngoại, lo vun vén gia đình, chăm sóc đàn con thơ dại. Ông bà nội ngoại đã già, hay đau ốm nên mẹ phải thường xuyên chạy tới chạy lui lo từng bát cháo, viên thuốc. Con cái nheo nhóc, công việc đồng áng vất vả nhưng mẹ chẳng bao giờ kêu than mà chỉ lo quán xuyến mọi việc sao cho tốt. Đôi tay mềm yếu của mẹ đã lo toan cả những phần việc trụ cột của người đàn ông trong gia đình, để cha tôi yên lòng lo việc nước.

Đôi bàn tay mẹ luôn hiện diện bên tôi suốt những năm tháng bé thơ... (Ảnh minh họa).

Đôi bàn tay mẹ luôn hiện diện bên tôi suốt những năm tháng bé thơ... (Ảnh minh họa).

Đôi bàn tay mẹ luôn hiện diện bên tôi suốt những năm tháng bé thơ, lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Bàn tay mẹ quạt mát, đưa nôi, ru tôi vào giấc ngủ bằng những giai điệu thân thương, êm đềm. Cũng đôi tay ấy đã dịu dàng dìu tôi đi những bước chân chập chững đầu đời, cổ vũ cho tôi tiến bước về phía trước. Mẹ dạy tôi cách cầm bút viết những chữ đầu tiên. Những lần tôi bị ốm sốt, mẹ phải thức suốt đêm thâu chăm sóc. Đôi tay gầy của mẹ hết chườm mát lại sắc thuốc, bón từng thìa cháo cho tôi với nét mặt đầy âu lo thấp thỏm. Mãi cho đến khi tôi khỏe hẳn, mẹ mới buông tiếng thở phào nhẹ nhõm, lại quay qua với guồng quay của những lo toan tất bật đời thường.

Đôi tay mẹ chẳng bao giờ ngơi nghỉ, hết ra đồng cấy dắm, đổ phân, nhổ cỏ cho lúa, gặt hái, phơi phong đến về nhà cuốc đất trồng rau, gieo hạt, rồi chăm sóc cha mẹ, con cái, việc nhà cửa. Một ngày của mẹ bắt đầu từ lúc trời chưa sáng rõ mặt người đến khi đêm đã về khuya, bà cháu đã yên giấc thì mẹ vẫn cặm cụi. Mẹ đã đánh đổi tuổi xuân thì với bàn tay con gái thon gầy, trắng trẻo bằng đôi tay chai sần thô ráp của người phụ nữ hai sương một nắng để nhận về gạo trắng nước trong của ruộng đồng, hoa thơm trái ngọt của vườn tược, an vui của cha mẹ già và những hồn nhiên ấm êm của con trẻ. Người làng tôi hết lòng khen mẹ đảm đang, nhưng tôi hiểu rằng để có được những thành quả đó, mẹ đã hy sinh nhiều đến nhường nào.

Chỉ mong ước mẹ đừng già như “chuối chín cây”, để chúng con mãi mãi có thể nắm lấy đôi bàn tay mẹ đi suốt cuộc đời này... (Ảnh minh họa).

Chỉ mong ước mẹ đừng già như “chuối chín cây”, để chúng con mãi mãi có thể nắm lấy đôi bàn tay mẹ đi suốt cuộc đời này... (Ảnh minh họa).

Đôi bàn tay mẹ chẳng cần phô trương mà lặng thầm chứa đựng cả biển trời yêu thương chất chứa. Để giờ đây, dù đã trưởng thành, nhưng kỷ niệm về đôi bàn tay mẹ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Tôi nhớ ai đó đã từng nói rằng: “Tương lai của con là công trình của mẹ” quả thật chẳng hề sai. Hình hài do mẹ ban cho, nhân cách hình thành từ công dưỡng dục của mẹ và thành tựu con cái đạt được hôm nay chính là nhờ ơn vun trồng của mẹ cha.

Chiều nay, tôi trở về bên mẹ. Hai mẹ con cùng ngồi xuống bên bậu cửa, lật giở những tấm hình chụp chung của cả gia đình những năm về trước. Chợt thấy lòng chùng xuống khi nhận ra cô gái trẻ trong hình năm xưa giờ đã già đi rất nhiều. Tôi vòng tay ôm lấy đôi vai gầy của mẹ, hôn lên đôi tay đầy sương gió nhọc nhằn, khẽ thì thầm vào tai mẹ lời yêu thương “Con yêu mẹ rất nhiều”. Chỉ mong ước mẹ đừng già như “chuối chín cây”, để chúng con mãi mãi có thể nắm lấy đôi bàn tay mẹ đi suốt cuộc đời này.

Đọc thêm

Vì sao phải đọc sách cùng con?

Vì sao phải đọc sách cùng con?

Ở thời hiện đại, rất nhiều người trẻ đắm chìm trong thế giới mạng, không hiểu được giá trị của sách truyền thống. Vậy, muốn con yêu sách thì người lớn cần phải truyền cảm hứng và làm tấm gương trước.
Văn hóa đọc trong thời đại số

Văn hóa đọc trong thời đại số

Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook...
Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.