Đổi mới phương pháp, phát triển tư duy, năng lực học sinh

(Baohatinh.vn) - Nghị quyết 29/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT ra đời đã tạo động lực thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học ở Hà Tĩnh. Sự đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học không chỉ góp phần phát triển trí tuệ mà còn giúp học sinh (HS) rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống.

Những sáng kiến về đổi mới phương pháp học tập chú trọng phát triển tư duy, khả năng sáng tạo cho HS đã được ngành Giáo dục Hà Tĩnh mạnh dạn triển khai từ năm học 2012-2013 với phương pháp “Bàn tay nặn bột” được thí điểm tại Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) và Tiểu học thị trấn Thạch Hà. Đi qua những bỡ ngỡ buổi đầu, giờ đây, mỗi buổi đến trường của HS là những giờ học thú vị, hấp dẫn. Cô Hoàng Thị Diệu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Bản chất của phương pháp “Bàn tay nặn bột” là giúp HS tiếp cận tri thức theo cách của những người nghiên cứu khoa học. Đó là phương pháp tốt nhất để hình thành và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cho các em từ khi còn là HS tiểu học”.

doi moi phuong phap phat trien tu duy nang luc hoc sinh

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học.

Trên tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc...”, ngành giáo dục đã mạnh dạn áp dụng những ưu việt của các phương pháp giảng dạy theo mô hình trường học mới, giáo dục mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch, dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục, phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong các nhà trường, đặc biệt là bậc tiểu học.

Việc dạy học theo hướng tăng cường tự học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho HS ở các nhà trường còn được chú trọng trong chương trình buổi 2 hay các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Em Nguyễn Văn Anh - Trường THPT Mai Thúc Loan cho biết: “Những chuyến đi về các địa chỉ đỏ đã giúp em hiểu thêm về sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước, về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Những giờ học lịch sử với chúng em qua đó cũng đã trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn và dễ nhớ hơn nhiều”.

Đổi mới phương pháp dạy học, các trường học đã tập trung thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực. Qua đó, huy động HS tham gia xây dựng cảnh quan ngôi trường, trồng cây, vệ sinh trường lớp để rèn luyện ý thức, kỹ năng lao động và bồi đắp tình yêu với mái trường. Trường học ngày càng hấp dẫn các em bởi không gian học tập, sinh hoạt bổ ích, lý thú của thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện điện tử.

Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Thành công của hoat động đổi mới phương pháp dạy học trước hết là sự đổi mới tư duy của giáo viên. Sở đã giao quyền chủ động cho các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực HS. Từ đó, mỗi tổ chuyên môn, mỗi giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực”.

Thay cho hình thức truyền thụ kiến thức bằng việc đọc, chép, sự đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đã hình thành cho người học tính chủ động, khả năng tự học, tự nghiên cứu cao. Nhiều HS đã biết giải quyết các tình huống thực tiễn đặt ra, biết tìm tòi, khám phá và đưa ra các ý tưởng để tạo nên các sản phẩm KHKT, có khả năng ứng dụng, mang tính thiết thực cao và phổ biến rộng rãi. Đó cũng chính là yếu tố để những năm gần đây, trên bảng vàng của các cuộc thi sáng tạo KHKT, giải Toán, tiếng Anh, Vật lý trên mạng internet, HS Hà Tĩnh cũng đã liên tục được ghi danh. Thành tích của các em cũng đã góp phần làm dày thêm trang truyền thống đáng tự hào của vùng đất học.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.