Đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng

(Baohatinh.vn) - 1. Nghệ - Tĩnh luôn tự hào là vùng đất sinh ra nhiều người tài giỏi, làm rạng rỡ non sông, tiếng để muôn đời. Đất Lam Hồng đã hun đúc và nuôi dưỡng chí khí nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất cho Đảng, cho dân tộc ta...

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Càng tỏa sáng, vinh dự, tự hào khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập, rèn luyện Đảng ta và tiếp đó là các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập là những người con ưu tú của vùng đất văn hóa Xứ Nghệ đã nối tiếp nhau làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tượng đài đồng chí Hà Huy Tập ở thị trấn Cẩm Xuyên

Tượng đài đồng chí Hà Huy Tập ở thị trấn Cẩm Xuyên

Đồng chí Hà Huy Tập, người con của huyện Cẩm Xuyên được sinh ra để tiếp nối các tiền nhân gánh vác trọng trách lớn lao. Hà Huy Tập tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 30, từng đối mặt với 6 án tù cùng những đòn roi tra tấn hết sức tàn bạo, đã hy sinh anh dũng trước kẻ thù. Với 35 tuổi đời (24/4/1906 - 28/8/1941), 16 năm hoạt động cách mạng (1925-1941), trong đó, gần 2 năm ở cương vị Tổng Bí thư của Đảng (1936-1938), đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Đảng và nhân dân giao phó trong giai đoạn cách mạng đầy thử thách và nhiều biến động phức tạp. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí để lại tấm gương sáng ngời về nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

2. Đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập cho cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực về cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, đặc biệt là chăm lo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có ý nghĩa quyết định tương lai của dân tộc Việt Nam. Cụ thể:

Một là, tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, tích cực tuyên truyền, cổ động giác ngộ quần chúng, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho công tác tuyên giáo của Đảng sau này. Từ trước năm 1925, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, cổ động trong tầng lớp học sinh, công nhân, nông dân và những người thân quen về tinh thần đấu tranh chống thực dân, phong kiến, đi theo cách mạng. Những năm 1925-1929, Hà Huy Tập không chỉ tích cực tuyên truyền phát triển hội viên và gây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi mà còn tích cực vận động việc hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng (1) với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm thống nhất tổ chức và hành động, đẩy mạnh phong trào cách mạng của cả nước. Khi với cương vị là Ủy viên phụ trách công tác tuyên truyền, cổ động của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (từ tháng 3/1934), kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sê-vích, đồng chí càng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện tốt các nhiệm vụ của ban. Ở cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, Hà Huy Tập càng coi trọng mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng.

Hai là, tích cực khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và Ban lãnh đạo Trung ương, chuẩn bị các văn kiện và chủ trì thành công đại hội Đảng lần thứ nhất. Sau giai đoạn 1930-1931, cách mạng nước ta bị thoái trào, nhiều đảng viên bị địch bắt, hệ thống cơ sở Đảng từng bước bị tan rã, tê liệt, BCH Trung ương không còn. Tháng 4/1933, Hà Huy Tập cùng Nguyễn Văn Dựt từ Liên Xô về Trung Quốc gặp Lê Hồng Phong, thống nhất triệu tập hội nghị của Đảng tháng 3/1934 để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, sau đó, bàn công tác chuẩn bị đại hội Đảng lần thứ nhất năm 1935. Từ sau hội nghị của Đảng tháng 7/1936, Hà Huy Tập về nước khôi phục lại BCH Trung ương (lúc này duy nhất còn đồng chí Võ Văn Ngân) và tổ chức cơ sở đảng trong nước. Tại Hóc Môn - Gia Định, Hà Huy Tập liên tiếp triệu tập, chủ trì các hội nghị Trung ương tháng 10/1936, tháng 9/1937, tháng 3/1938, kiện toàn ban lãnh đạo, vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn. Chỉ sau 1 năm, Hà Huy Tập đã tái lập được BCH Trung ương, khôi phục hệ thống tổ chức đảng, phát triển thêm đảng viên, khôi phục được sức mạnh để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng giai đoạn mới.

Ba là, tổ chức và chỉ đạo xuất bản sách, báo, tạp chí, cơ quan ngôn luận của Đảng; viết nhiều tác phẩm có tính lý luận sắc sảo, chú trọng viết lịch sử Đảng để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, đấu tranh chống quan điểm lệch lạc, tạo thống nhất tư tưởng trong Đảng. Từ năm 1934, Hà Huy Tập sáng lập và làm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sê-vích, là cơ quan lý luận của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, sau đại hội lần thứ nhất (1935) chuyển thành cơ quan lý luận của Trung ương Đảng. Khi về nước, Hà Huy Tập sáng lập và làm Tổng Biên tập báo L’Avant-garde (Tiền phong), là tờ báo đầu tiên của Trung ương Đảng xuất bản công khai ở Sài Gòn, hợp pháp theo đúng Luật Báo chí của Quốc hội Pháp thông qua ngày 29/7/1881. Nội dung các bài viết của Hà Huy Tập thể hiện tiếng nói của Đảng ta, vận động thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương; chống phản động thuộc địa và chủ nghĩa phát xít; đòi các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống; chống các xu hướng trái ngược trong đường lối chính trị. Hà Huy Tập là một trong những người tiên phong đi sâu nghiên cứu lịch sử Đảng ta, tổng kết thành công và chưa thành công của Đảng để rút ra kinh nghiệm soi sáng các vấn đề hiện tại, đặt nền móng hình thành Khoa học Lịch sử Đảng.

Bốn là, từ tình hình thực tiễn, Hà Huy Tập đề xuất chủ trương, chuẩn bị nội dung, chủ trì, ra nghị quyết các hội nghị Trung ương, tìm biện pháp đấu tranh phù hợp, trực tiếp lãnh đạo, vực dậy phong trào cách mạng giai đoạn 1936-1939. Đồng chí nêu ra và triển khai nhiều nội dung, làm phong phú thêm lý luận về mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, về chiến lược và sách lược cách mạng. Đồng thời, Hà Huy Tập có nhận thức mới về tên gọi, đối tượng, thành phần của mặt trận, cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, sau đó là Mặt trận nhân dân Đông Dương. Từ thực tiễn đấu tranh, Hà Huy Tập gợi ra tên Mặt trận dân chủ Đông Dương, về sau trở thành tên gọi phổ biến cho cả thời kỳ 1936-1939.

3. Đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập về công tác xây dựng Đảng là rất to lớn. Trên cơ sở khôi phục được ban lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức Đảng; đấu tranh, phản bác tư tưởng lệch lạc, chủ nghĩa cơ hội, cải lương, tạo nhất trí trong Đảng, đưa ra đường lối phù hợp với thực tiễn đã làm cho Đảng ta mạnh lên, đủ sức lãnh đạo vực dậy phong trào cách mạng mới, tiến đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong quá trình ấy, đồng chí Hà Huy Tập xác định, chỉ rõ chiến lược và sách lược cách mạng, yêu cầu “nhận rõ ai là kẻ địch nhân nguy hiểm nhất trong lúc hiện thời nhất định sẽ tập trung ngọn lửa vào đó mà đánh”. Đó là cơ sở để Đảng ta xác định nhiệm vụ cách mạng giai đoạn 1936-1939, chủ yếu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo, hòa bình. Đây là bước phát triển mới về nhận thức, khác với nhận thức thời kỳ 1930-1935, mở đường cho sự chỉ đạo đường lối chiến lược và sách lược cách mạng cho đến khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ.

Đồng chí Hà Huy Tập cũng nhấn mạnh, Đảng phải làm cho hàng ngũ đảng viên thống nhất về lý thuyết và thực hành, cần luôn luôn mở rộng các cuộc tự chỉ trích trong các cấp đảng bộ để tìm ra ưu điểm mà học, chỉ ra khuyết điểm mà tránh; coi đây là công tác thường trực của Đảng và tốt nhất là kéo quảng đại quần chúng tham gia. Tiến hành sâu rộng trong Đảng và các tầng lớp nhân dân đấu tranh với các nhận thức và khuynh hướng sai lầm trong Đảng, nhất là chủ nghĩa cơ hội, cá nhân, cải lương, xuyên tạc sự thật.

Bởi vậy, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay nhằm làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, cần quán triệt tinh thần của đồng chí Hà Huy Tập để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm kỷ luật của đảng viên, nhất là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó, đặc biệt là chủ nghĩa cơ hội, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, vô trách nhiệm, lợi ích nhóm...

--------------------

(1) Hội Phục Việt từ năm 1925 rồi Hội Hưng Nam năm 1926 đến Việt Nam cách mạng Đảng năm 1927, cuối cùng là Tân Việt cách mạng Đảng từ năm 1928.

Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương

Chủ đề 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.