Chiều 10/8, BTV Tỉnh ủy phối hợp với Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội (Nhóm Tư vấn) và một số chuyên gia, nhà khoa học tổ chức hội nghị thảo luận về định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và Đề cương báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Quốc Tiến - Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội; GS.TS.NGND Mai Trọng Nhuận – Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Nhóm Tư vấn.
Về phía Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết quả phối hợp với Nhóm Tư vấn phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua và kế hoạch thực hiện thời gian tới.
Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh đạt gần 5%/năm. Quy mô nền kinh tế hiện đạt gần 100 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 3 Bắc Trung Bộ, thứ 32 cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt gần 63.000 tỷ đồng. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực, duy trì trong nhóm dẫn đầu khu vực. Toàn tỉnh hiện có gần 1.550 dự án với tổng vốn gần 530.000 tỷ đồng; là một trong 10 địa phương có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước.
Về quy hoạch, Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm, đạt nhiều thành tích nổi bật. Giáo dục - đào tạo đạt kết quả khá toàn diện. Hoạt động an sinh xã hội được thực hiện với nhiều cách làm mới, hiệu quả.
Mục tiêu của tỉnh là xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 – 800.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 85%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 0,6-1%/năm.
Về kết quả phối hợp với Nhóm Tư vấn, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, tham vấn ý kiến tư vấn, phản biện của nhóm trong xây dựng các cơ chế chính sách phát triển của tỉnh, như: xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Quy hoạch tỉnh, các kế hoạch, chiến lược phát triển trung và dài hạn của tỉnh.
Nhóm Tư vấn đã chủ động phối hợp triển khai một số hoạt động thông qua Hội Khoa học kinh tế Hà Tĩnh và các sở, ban, ngành, địa phương; hỗ trợ tỉnh trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh, tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư; đồng hành cùng tỉnh trong việc kiến nghị Trung ương chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê;
Kết nối, giúp đỡ tỉnh trong quá trình làm việc để đi đến ký kết với Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng Đề án Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội; phối hợp làm tốt công tác an sinh xã hội, quảng bá hình ảnh, quê hương Hà Tĩnh …
Tại buổi làm việc, các thành viên Nhóm Tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao nỗ lực của Hà Tĩnh và những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH thời gian qua và thảo luận, góp ý nhiều giải pháp và định hướng phát triển KT-XH thời gian tới.
Các đại biểu đã gợi mở nhiều giải pháp như: phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua hệ thống công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ; động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo, học sinh, phát triển nguồn lực chất lượng cao; thu hút, bồi dưỡng nhân tài; phát huy tiềm năng về du lịch văn hóa; tăng cường kết nối, thu hút đầu tư; phát huy lợi thế cảng nước sâu Vũng Áng để phát triển cảng biển; phát huy bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Góp ý về văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030, đại biểu cho rằng báo cáo cần đánh giá đầy đủ hơn về bối cảnh chung trong 5 năm tới; đánh giá thực chất tiềm năng, khó khăn của tỉnh, từ đó nhất quán các mục tiêu, chiến lược mang tính chất đột phá của địa phương để ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện. Báo cáo chính trị của tỉnh cần bám sát báo cáo chính trị toàn quốc; bám sát tính thời đại là xanh, số hóa và an ninh phi truyền thống; báo cáo cần tham chiếu trên các mục tiêu, chiến lược của Quy hoạch tỉnh…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng tiếp thu, ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia. Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học là những gợi mở quan trọng cho Hà Tĩnh hoạch định nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian tới và là chất liệu quan trọng để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, Hà Tĩnh sẽ hết sức quan tâm đến các yếu tố xanh, số hóa. Về kinh tế, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng hướng về cội nguồn, phát huy các bản sắc văn hóa và những nét riêng có của Hà Tĩnh.
Về yếu tố con người, cùng với chú trọng phát huy tiềm năng của con người tại quê hương, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục quan tâm, phát huy sự tâm huyết, trí tuệ của người Hà Tĩnh muôn phương.
Về các tiềm năng, lợi thế như: diện tích ao hồ, mặt nước, diện tích biển, rừng; lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển…, Hà Tĩnh sẽ cụ thể hóa trong đường hướng phát triển KT-XH và trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Về hoạt động của Nhóm Tư vấn, Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội là tư vấn theo từng lĩnh vực để triển khai các nội dung hiệu quả hơn. Mong rằng, thời gian tới, Nhóm Tư vấn cùng các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành, quan tâm đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030, BTV Tỉnh ủy sẽ tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, dư địa để đưa ra các chỉ tiêu sát hơn với thực tiễn.