Giám đốc chương trình quốc gia Thomas Rath cùng dự buổi làm việc.
Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) có hiệu lực từ tháng 11/2013, dự kiến kết thúc vào tháng 12/2018 với tổng kinh phí khoảng 46 triệu USD, thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tính đến tháng 9/2018, tổng vốn giải ngân đối với nguồn vốn vay đạt 18,137 triệu USD (79%).
Báo cáo của đoàn giám sát chỉ rõ, tiến độ thực hiện hàng năm chưa đạt yêu cầu, tiến độ trong năm 2018 rất chậm, chỉ khoảng 10-15%, trong khi tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 8% so với kế hoạch.
Bà Irene Li – cán bộ tài chính ở Rome mong muốn Hà Tĩnh có giải pháp hỗ trợ nhân lực thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu ra những hạn chế như: Một số nguồn vốn đối ứng không được phân bổ đảm bảo việc triển khai hiệu quả; hoạt động điều phối, thực hiện của Ban quản lý dự án và cơ quan giám sát kém hiệu quả; tình hình thay đổi nhân sự, cắt giảm phụ cấp gây ảnh hưởng đến năng lực quản lý dự án…
Ông Lê Anh Dũng – Giám đốc dự án giải trình, làm rõ một số vấn đề tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý dự án và một số địa phương đánh giá cao những kết quả dự án đạt được thời gian qua; đồng thời, giải trình một số nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch như: Việc chậm đối ứng nguồn vốn là do địa phương đang thực hiện chính sách mới về quản lý nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam (theo Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016).
Giám đốc chương trình quốc gia Thomas Rath mong muốn Hà Tĩnh vào cuộc tích cực hơn trong thời gian tới.
Giám đốc chương trình quốc gia Thomas Rath cho rằng, vấn đề thiếu vốn và cắt giảm phụ cấp, nhân sự của Hà Tĩnh chậm được báo cáo lên IFAD. Bên cạnh đó, phía địa phương còn hạn chế trong việc ứng vốn theo hiệp định ký kết. Đặc biệt, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ban quản lý dự án huy động tối đa nguồn lực để thực hiện các hoạt động của dự án trong thời gian tới. Đến thời điểm kết thúc dự án, nếu tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân đạt tốt, đoàn mới có cơ sở xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Kết quả giải ngân dự án chậm là do kế hoạch quản lý nguồn vốn của Trung ương thay đổi.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, đến nay, kết quả giải ngân dự án còn chậm là do kế hoạch quản lý nguồn vốn của Trung ương thay đổi, dẫn đến nguồn vốn đối ứng dự án chậm. Bên cạnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh chưa chủ động triển khai các giải pháp, phối hợp với Trung ương để kịp thời giải quyết. Do đó, thời gian tới, cần nỗ lực cao hơn để hoàn thành các nội dung hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính xây dựng dự thảo phương án cấp ứng vốn để thực hiện các nội dung dự án; báo cáo với lãnh đạo tỉnh và giám đốc chương trình về tiến độ cấp vốn đối ứng của Chính phủ. Giám đốc dự án thông tin và trực tiếp giải trình đến Ban quản lý trung ương về kết quả thực hiện để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc;
Ban quản lý dự án cấn rà soát lại kế hoạch hành động và báo cáo UBND tỉnh; kiểm tra năng lực cán bộ để có kế hoạch hỗ trợ. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp để thực hiện tốt nội dung dự án.