Du học sinh Hà Tĩnh về quê tránh dịch vất vả khi học trực tuyến lệch múi giờ

(Baohatinh.vn) - Do chênh lệch múi giờ, nhiều tiết học trực tuyến tránh dịch Covid-19 tại quê nhà của du học sinh Hà Tĩnh kết thúc quá nửa đêm, gây ra không ít mệt mỏi.

Du học sinh Hà Tĩnh về quê tránh dịch vất vả khi học trực tuyến lệch múi giờ

Quỳnh Trang ôn bài bên máy tính. (Ảnh: NVCC)

Bùi Thị Quỳnh Trang là sinh viên năm hai ngành Toán tin ứng dụng của Trường Đại học Rennes 1 ở thành phố Rennes, thủ phủ vùng Bretagne, phía Tây Bắc nước Pháp.

Cô gái 21 tuổi quê thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thông tin, Pháp hiện ghi nhận gần 110.000 ca nhiễm và hơn 10.300 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 4 trên thế giới chỉ sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italy. Số ca dương tính với virus ở thành phố Rennes nơi Trang sinh sống cũng đã lên đến hàng trăm.

Những ngày trước khi Pháp chính thức áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn virus lây lan, mẹ Trang liên tục gọi điện thuyết phục con gái về nước. Những cuộc điện thoại có cả nước mắt khiến cô gái mủi lòng dù đã tích trữ đủ nhu yếu phẩm, xác định ở lại “chống dịch”.

Vài giờ trước khi lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực, bắt đầu từ 12h trưa ngày 17/3, Trang kịp lên máy bay. Sau hành trình dài hơn 12 tiếng, phi cơ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất sáng 18/3. Trang cùng nhiều hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ chuyến bay này được được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Du học sinh quê Hà Tĩnh kể, cuộc sống bên trong khu cách ly tập trung khá thoải mái. “Là một du học sinh về nước ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến em cảm thấy có lỗi vì bản thân đã mang thêm gánh nặng cho đất nước. Nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ các y, bác sĩ, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ ở khu cách ly, em thực sự biết ơn và xúc động”, Trang bày tỏ.

Du học sinh Hà Tĩnh về quê tránh dịch vất vả khi học trực tuyến lệch múi giờ

Trang là du học sinh Trường Đại học Rennes 1 ở thành phố Rennes, Pháp. (Ảnh: NVCC)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường Đại học Rennes 1 đã đóng cửa, chuyển sang hình thức học trực tuyến từ đầu tháng 3. Nữ sinh Hà Tĩnh kể mặc dù về nước, cô vẫn tham gia học online đầy đủ để không bị hổng kiến thức chuyên môn.

“Có khoảng 3 môn bọn em học theo hình thức trực tuyến, có giáo viên giảng bài. Những môn còn lại, các thầy cô gửi tài liệu cho sinh viên tự nghiên cứu”, Trang nói.

Cô cho biết, các môn học trực tuyến vẫn theo thời khóa biểu cũ, từ 16-18h (giờ Pháp). Do chênh lệch múi giờ nên tại Việt Nam, tiết học sẽ bắt đầu vào lúc 21h và kết thúc vào khoảng 23h. Vừa về nước, chưa kịp thích nghi với giờ giấc sinh hoạt mới, do vậy tiết học bắt đầu và kết thúc muộn gây nên không ít mệt mỏi cho Trang.

Cô gái kể, phải mất vài ngày để cân bằng lại bản thân theo nhịp sinh hoạt mới. “Cũng may mỗi tuần chỉ có 3 buổi học trực tuyến nên không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tiếp thu các bài học của em”, Trang nói.

Hết thời hạn cách ly ngay khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, Trang cho biết cô đang ở tạm nhà người thân tại TP Hồ Chí Minh, chờ kết thúc thời gian cách ly xã hội sẽ trở về quê. “Em thực sự mong đại dịch mau chóng qua đi để mọi người được quay lại cuộc sống bình thường. Các y bác sĩ, bộ đội phục vụ cách ly được trở về với gia đình. Họ thực sự đã vất vả rất nhiều trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”, nữ sinh cho hay.

Cũng gặp phải những khó khăn trong việc học trực tuyến do chênh lệch múi giờ như Trang, song Nguyễn Gia Minh (sinh viên năm nhất Trường Đại học Luther, bang Iowa, Mỹ) cho biết cảm thấy vui vì mỗi khi online lại được trò chuyện với các bạn đồng môn.

Cựu nam sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh được Đại học Luther cấp học bổng 80%. Vừa sang Mỹ du học được nửa năm, chàng trai 19 tuổi đã phải tự nhốt mình trong nhà do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến trường học phải đóng cửa.

Sau khi cân nhắc kỹ, giữa tháng 3, Minh quyết định về nước tránh dịch và đã kết thúc thời gian cách ly ở điểm cách ly tập trung huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chàng trai trẻ cho biết, dù về nước, đều đặn mỗi tuần 3 buổi vào thứ 2, 4 và 6, cậu đều tham gia học trực tuyến với thầy, cô và các bạn học ở trường.

“Giờ Mỹ và giờ Việt Nam chênh lệch nhau khoảng 12 tiếng. Về nước, để tham gia học trực tuyến, em sẽ online từ 20h đến 24h. Có hôm thầy cao hứng giảng thêm, tiết học có thể kéo dài quá nửa đêm”, Minh kể và cho biết mặc dù khá mệt vì học giờ học không mấy thuận tiện nhưng cảm thấy vui vì được gặp và trò chuyện với các bạn thường xuyên.

“Trước khi bắt đầu tiết học, thầy cô và các bạn thường dành một ít phút ban đầu để hỏi thăm nhau về tình hình dịch bệnh nơi mọi người đang sinh sống. Ai cũng dặn dò, động viên nhau đề phòng, tránh để bị lây nhiễm”, du học sinh Hà Tĩnh cho biết.

Cũng lựa chọn về nước tránh dịch, Đặng Thúy Quỳnh sinh viên năm cuối Trường Đại học Smith College - Mỹ cho hay cũng gặp khó khăn do tình trạng chênh lệch múi giờ khi học trực tuyến.

Du học sinh Hà Tĩnh về quê tránh dịch vất vả khi học trực tuyến lệch múi giờ

Thúy Quỳnh là sinh viên năm cuối Trường Đại học Smith College, Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh lớp chuyên Anh khóa 2013-2015 Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh được Đại học Smith College cấp học bổng 4 năm trị giá hơn 6 tỷ đồng. Tại Mỹ, Quỳnh theo học ngành Điện ảnh và truyền thông.

Quỳnh kể đã về nước được hơn 2 tuần. Do cô cũng đã gần hoàn thành chương trình đại học nên mỗi tuần chỉ học trực tuyến hai buổi, mỗi buổi kéo dài 3 tiếng, không quá vất vả. Tuy nhiên thời gian kết thúc tiết học vào gần nửa đêm cũng gây một chút mệt mỏi.

Nữ du học sinh Hà Tĩnh cho biết lần này về nước sẽ ở lại gần nửa năm. Đến tháng 9 tới đây, khi dịch bệnh được khống chế sẽ sang Mỹ để hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Những cuộc gặp mặt, kết nối sinh viên, thanh niên, doanh nhân quê Hà Tĩnh ở 3 miền đất nước không chỉ nối vòng tay thấm đượm nghĩa tình quê hương mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, con người mảnh đất núi Hồng, sông La.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...