Đưa cán bộ huyện về cơ sở: Bài học thành công ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Trong 5 năm qua, đã có 10 cán bộ cấp phòng, ban huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được bố trí nắm giữ các vị trí chủ chốt cấp xã. 

Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghi Xuân Phan Văn Lĩnh (thứ 3 từ phải sang) vừa được điều chuyển về làm Bí thư Đảng bộ thị trấn Xuân An.

Gỡ “nút thắt” cho cơ sở

Cuối năm 2014, xã Xuân Viên được kỳ vọng là địa phương đầu tiên của huyện Nghi Xuân hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). “Thế nhưng, tháng 3/2014, toàn bộ BCH Đảng bộ xã “dính” án kỷ luật do những sai phạm liên quan đến việc bán đấu giá đất, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt “vướng” vòng lao lý” - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Đậu Minh Ngụ nhớ lại.

Trước khi về làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hồng, ông Phạm Hồng Khoan (ngoài cùng bên trái) là Phó Chủ tịch Hội Nông dân Nghi Xuân (nay là Chủ tịch Hội Nông dân huyện).

Mục tiêu đặt ra là “bất di bất dịch” nên BTV Huyện ủy Nghi Xuân quyết định điều chuyển Phó ban Dân vận Huyện ủy về đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên, Phó ban quản lý Xây dựng các công trình cơ bản huyện giữ chức Chủ tịch UBND xã.

Ban lãnh đạo mới đã nhanh chóng hòa nhập, nắm bắt thực tế, cùng tập thể cấp ủy, chính quyền đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương. Nhờ vậy, cuối năm 2014, Xuân Viên về đích NTM đúng hẹn.

Năm 2017, đặt mục tiêu trở thành huyện NTM đầu tiên ở Hà Tĩnh và về đích vào năm 2018 - trước thời hạn 2 năm so với kế hoạch tỉnh đặt ra, Nghi Xuân phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi thời điểm đó, tư tưởng cục bộ địa phương cũng như năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ ở một số xã vẫn còn hạn chế khiến tiến độ thực hiện bị chững lại.

Ông Trần Quỳnh Thao (hàng trên, bên trái) trước khi được bố trí làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Liên vào năm 2013 là Chánh Văn phòng Huyện ủy Nghi Xuân (nay là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nghi Xuân)

Mặc dù chịu “sức ép” khá lớn từ nhiều phía, lãnh đạo huyện Nghi Xuân vẫn quyết định thay thế vị trí chủ tịch 2 xã Xuân Liên, Xuân Trường (nay là xã Đan Trường) bằng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy và Trưởng phòng TN&MT huyện.

Điều đáng mừng là sau khi thay thế những cán bộ điều hành chủ chốt, công việc ở các địa phương dần đi vào ổn định, mục tiêu đặt ra không bị lỡ hẹn. Đặc biệt hơn, vị thế các xã từ trung bình thành những đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

“Nhất cử lưỡng tiện”

Từ năm 2015 - 2020, đã có 10 cán bộ cấp phòng, ban của huyện Nghi Xuân được luân chuyển, đảm nhiệm chức vụ bí thư, chủ tịch các xã: Xuân Viên, Xuân Liên, Xuân Hội…

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân Phan Văn Thư cho hay: “Việc luân chuyển không chỉ là chủ trương phù hợp với công tác cán bộ, giúp đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, xây dựng mối đoàn kết tại các địa phương, hạn chế tình trạng cục bộ mà kiến thức thực tiễn, đa ngành nghề của cán bộ huyện cũng được nâng lên đáng kể”.

Năm 2017, Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Nghi Xuân Trần Thế Tài (nay là Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy) cầm quyết định điều động về làm Chủ tịch UBND xã Xuân Liên với nhiều trăn trở, nhưng sau gần 2 năm bám cơ sở, ông thấy mình “lớn” hẳn lên với nhiều kiến thức học được từ thực tiễn.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (bên phải) tham quan mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nga Hải (Xuân Mỹ), tháng 9/2019.

“Quan trọng hơn cả là khi sâu sát cơ sở, mình nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp” - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Trần Thế Tài chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn trong môi trường mới, các cán bộ nòng cốt huyện Nghi Xuân đã từng bước tiếp cận, bám sát yêu cầu thực tiễn, cùng cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương; từ đó giúp bản thân tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh. Rõ ràng, chủ trương bổ sung sự thiếu hụt cán bộ cho cơ sở từ đội ngũ cán bộ huyện theo phương châm “đúng người, đúng việc” đã phát huy hiệu quả, cần thiết được duy trì và nhân rộng.

Chủ đề Điều động, Bổ nhiệm cán bộ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói