Nghịch lý thừa biên chế, thiếu giáo viên tiểu học ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Mặc dù được giao tuyển dụng 50 giáo viên tiểu học nhưng năm học 2019 - 2020, sau 2 vòng thi tuyển, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chỉ tuyển dụng được 30 giáo viên. Tình trạng thiếu hụt giáo viên đứng lớp đã và đang khiến nhiều trường học ở Nghi Xuân như… “ngồi trên lửa”.

Nghịch lý thừa biên chế, thiếu giáo viên tiểu học ở Nghi Xuân

Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp khiến nhiều trường tiểu học ở Nghi Xuân khó khăn trong việc bố trí lịch giảng dạy.

Chỉ tiêu 50, chỉ tuyển dụng được 30 giáo viên

Năm học 2019 - 2020, huyện Nghi Xuân được giao chỉ tiêu tuyển 50 giáo viên tiểu học (47 giáo viên văn hóa và 3 giáo viên tin học) nhưng chỉ có 48 người nộp hồ sơ tham gia dự tuyển. Trong đó, có 37 thí sinh tham gia dự tuyển giáo viên văn hóa và 11 người dự tuyển tin học.

Điều đáng nói, trong số này có nhiều người đến từ các tỉnh, thành khác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Thậm chí, có những thí sinh từ tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai cũng tham gia thi tuyển giáo viên tại huyện Nghi Xuân.

Sau các vòng thi tuyển, huyện Nghi Xuân chỉ tuyển được 27 giáo viên văn hóa và 3 giáo viên tin học cho năm học 2019-2020. Theo đó, vẫn còn thiếu 20 giáo viên văn hóa.

Nghịch lý thừa biên chế, thiếu giáo viên tiểu học ở Nghi Xuân

Dù được giao chỉ tiêu tuyển 50 giáo viên tiểu học nhưng năm học 2019 - 2020, Nghi Xuân chỉ tuyển dụng được 30 giáo viên

Năm học 2018 – 2019, Nghi Xuân được giao chỉ tiêu tuyển 22 giáo viên tiểu học. Việc tuyển dụng diễn ra khá thuận lợi vì có khá nhiều thí sinh tham gia thi tuyển. Tuy nhiên, năm nay, tình trạng “cung không đủ cầu” xuất hiện khiến nhiều trường tiểu học ở Nghi Xuân bối rối vì thiếu hụt nguồn nhân lực.

Theo tìm hiểu, có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều người không mặn mà với nghề “gõ đầu trẻ” nhưng chủ yếu là do huyện nhiều năm không tuyển dụng nên sau khi học xong, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đến các tỉnh, thành khác để mưu sinh. Bên cạnh đó, thu nhập thấp, trong khi cơ hội tìm kiếm việc làm khác có mức lương cao cũng khiến nhiều sinh viên sư phạm “quay lưng” với sự lựa chọn ban đầu của mình.

Theo những người trong cuộc, “bất cập ở chỗ các sinh viên học đại học chính quy, thậm chí là thạc sỹ hoặc những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi (thuộc diện thu hút nhân tài) nhưng khi nhận việc tại các trường tiểu học lại hưởng lương trung cấp, với mức khởi điểm theo hệ số là 1,86 tương ứng với 2.771.000 đồng nên không nhiều người còn “yêu” nghề dạy tiểu học như những năm trước".

Trưởng phòng Nội vụ Nghi Xuân Phan Văn Lĩnh cho biết: “Ngay cả 30 giáo viên trúng tuyển ở Nghi Xuân mới đây có người tốt nghiệp thạc sỹ, đại học loại giỏi vẫn phải hưởng lương trung cấp. Bởi chiếu theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015, những giáo viên này còn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2 và chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II. Muốn có chứng chỉ này, các giáo viên phải học thêm các khóa học khác trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng”.

Hơn nữa, tại Văn bản số 159/NGCBQLCSGD-NG ngày 25/2/2016 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo) “Về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT" thì: Đối với người mới được tuyển dụng (kể cả người có trình độ trên chuẩn) đều xếp ở hạng thấp nhất (hạng 4) vì chưa đủ điều kiện để thăng hạng nên chỉ được hưởng mức lương trung cấp”.

Được biết, hiện huyện Nghi Xuân vẫn còn 167 giáo viên có trình độ đại học nhưng lại hưởng mức lương trung cấp. Nguyên nhân là do từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh việc nâng hạng không thực hiện nên những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng dù đã đáp ứng các tiêu chuẩn vẫn hưởng lương trung cấp".

Thiếu giáo viên, nhiều trường như … "ngồi trên lửa”

Nghịch lý thừa biên chế, thiếu giáo viên tiểu học ở Nghi Xuân

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Mỹ Trần Thị Tuyết phải tham gia nhiều tiết học để khỏa lấp lỗ hổng thiếu giáo viên dạy văn hóa.

Hiện tại, trong số 19 trường tiểu học trên địa bàn huyện Nghi Xuân có rất nhiều trường thiếu hụt giáo viên đứng lớp. Trong đó, Trường Tiểu học Xuân Mỹ thiếu 2 giáo viên, Tiểu học Xuân Viên thiếu 2 giáo viên, Tiểu học thị trấn Xuân An thiếu 3 giáo viên và rất nhiều trường thiếu 1 giáo viên.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Viên Phan Thị Quỳnh Trang lo lắng: “Năm học 2019 - 2020, tình trạng thiếu giáo viên còn tồi tệ hơn, đầu năm có thêm 2 cô giáo nghỉ sinh nữa nhưng nhà trường chưa tìm ra người để thay thế. Thực trạng này cũng xảy ra tại nhiều trường tiểu học ở Nghi Xuân, đặc biệt là với những trường có các cô giáo sắp đến tuổi nghỉ hưu".

Thiếu giáo viên nhưng tìm ra người dạy hợp đồng cũng là bài toán cực khó ở Nghi Xuân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa cho dù các trường đã nâng mức thù lao lên 3,5 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên hợp đồng.

Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân An Võ Thị Thuận cho biết: Năm học này may mắn là trường hợp đồng được với giáo viên. Năm học trước, cả 2 hiệu phó trưởng của trường phải “ôm” trọn 2 lớp để giảng dạy, “xé rào” so với mức quy định (hiệu trưởng 1 tuần đứng lớp 2 tiết còn hiệu phó là 4 tiết), ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành các hoạt động khác của nhà trường.

Nghịch lý thừa biên chế, thiếu giáo viên tiểu học ở Nghi Xuân

Việc thiếu hụt giáo viên đứng lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nghi Xuân Vũ Minh Thiện cho biết: Cho đến nay, huyện Nghi Xuân vẫn còn thiếu 20 giáo viên văn hóa tiểu học. Việc thiếu hụt giáo viên đứng lớp không chỉ khiến cho các trường băn khoăn lo lắng mà chất lượng giảng dạy cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Cũng theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghi Xuân Phan Văn Lĩnh: “Việc tuyển dụng giáo viên văn hóa bậc tiểu học ở Nghi Xuân vẫn tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra ở Nghi Xuân cho thấy, bài toán giáo viên tiểu học đang thực sự làm “đau đầu” các cơ quan tuyển dụng”.

Chủ đề Tuyển dụng

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.