Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải: Thị xã cần tiếp tục bám vào sự chuyển động của KKT Vũng Áng để tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân; có những giải pháp, hướng đi cụ thể hơn, không nên chung chung
Trong thời gian qua, thị xã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả nặng nề từ cơn bão số 10 vừa qua. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị trong khối văn hóa - xã hội nên nhìn chung thị xã vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: Thị xã hiện đang thiếu hụt lớn cán bộ tại các phòng/ban chuyên môn và đội ngũ giáo viên các cấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ thị xã.
Hướng đến mục tiêu đưa thị xã cán đích đô thị loại III vào năm 2020, thời gian qua, thị xã đã không ngừng đẩy mạnh viêc thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thực của người dân, từng bước chuyển từ lối sống nông thôn sang lối sông đô thị văn minh. Giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư nhất là về cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị, góp phần đáp ứng được nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân cũng như hàng chục ngàn công nhân lao động sinh sống, làm việc trên địa bàn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng: Chuyện thiếu giáo viên ở thị xã đang rất khó khăn. Nếu không được tuyển thêm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của địa phương. Vì vậy rất mong Thường trực Hội đồng có ý kiến cụ thể, nếu cần thiết thì nên có các giải pháp mạnh đối với những nơi đang thừa giáo viên.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, đã có 647 lao động có được việc làm ổn định từ các doanh nghiệp, trong đó tập trung lớn nhất vào đại dự án Formosa. Có được kết quả đó là nhờ thị xã đã tập trung ưu tiên cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là sau sự cố môi trưởng biển.
Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, thị xã còn làm tốt công tác khâu nối để đưa lao động đi xuất khẩu, nhất là lao động tại xã vùng biển như: Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Nam bị ảnh hưởng nặng sau sự cố môi trường. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã có 700 lao động đi xuất khẩu nước ngoài, tập trung vào các thị trường uy tín, có tính ổn định cao như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia…
Tại buổi làm việc thị xã Kỳ Anh đề nghị tỉnh có chơ chế hỗ trợ, điều chuyển giáo viên cho thị xã; có các chính sách đặc thù hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, nhất là tại các xã khó khăn như Kỳ Nam, Kỳ Lợi, Kỳ Hà; quan tâm hỗ trợ thị xã giải quyết sớm các tồn đọng, vướng mắc ngoài thẩm quyền xử lý của thị xã.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải cho rằng thị xã cần tiếp tục bám vào sự chuyển động của KKT Vũng Áng để tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân. Muốn vậy cần có những giải pháp, hướng đi cụ thể hơn, không nên chung chung; tạo môi trường đầu tư hập dẫn, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo sự sôi động trở lại; quan tâm hơn nữa đến các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn, tăng cường kêu gọi các nguồn xã hội hóa để đầu tư các di tích cho xứng tầm.
Đối với đề án đặt tên đường, hội đồng tư vấn cần tiếp thu, nghiên cứu kỹ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhất là cán bộ các lão thành. Nếu cần thiết thì lùi lại thời gian trình HĐND tỉnh để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, bổ sung điều chỉnh cho phù hợp, chắc chắn. Thị xã cần ưu tiên cho 13 tuyến trục chính và các tuyến trên địa bàn phường Sông Trí vì đây là cốt lõi của đô thị Kỳ Anh hiện nay.