Đức tăng cường kiểm soát biên giới trước Vòng Chung kết EURO 2024

Bộ Nội vụ Đức cho biết các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời sẽ được duy trì cho đến hết ngày 19/7 với mục đích kiểm tra và ngăn chặn những hành động bạo lực có thể xảy ra càng sớm càng tốt.

Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại khu vực Frankfurt Oder, biên giới với Ba Lan, hồi tháng Chín năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại khu vực Frankfurt Oder, biên giới với Ba Lan, hồi tháng Chín năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức vừa công bố các biện pháp tăng cường kiểm soát dọc biên giới nước này trước Vòng Chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024).

Kể từ ngày 7/6, cảnh sát liên bang đã áp đặt các biện pháp tăng cường bảo vệ biên giới, sân bay và giao thông đường sắt.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser coi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bạo lực và tấn công mạng là những mối đe dọa có thể xảy ra.

Bà Faeser cho biết biện pháp này là cần thiết để đảm bảo an ninh cho EURO 2024, sẽ diễn ra tại 10 thành phố của Đức từ ngày 14/6 đến 14/7.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức cho biết các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời sẽ được duy trì cho đến hết ngày 19/7, với mục đích là kiểm tra và ngăn chặn những hành động bạo lực có thể xảy ra càng sớm càng tốt.

Ngoài các biện pháp tăng cường tại những địa điểm quan trọng, khoảng 580 sỹ quan cảnh sát từ các quốc gia khác sẽ tham gia cùng lực lượng thực thi pháp luật Đức thực hiện tuần tra tại các nhà ga, hệ thống đường sắt và các thành phố diễn ra các trận đấu của EURO 2024.

Bộ Nội vụ Đức cho biết các biện pháp kiểm soát bổ sung sẽ được thiết lập ở biên giới với Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, năm quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực Schengen, vốn không có biện pháp kiểm soát biên giới thường xuyên mà chỉ thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên.

Theo tuyên bố của Bộ trên, các biện pháp kiểm tra sẽ được thực hiện một cách “linh hoạt và tạm thời.”

Các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời đã được áp đặt từ tháng 10 năm ngoái, dọc biên giới Đức với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ trong nỗ lực hạn chế tình trạng buôn lậu và di cư bất thường.

Thụy Sĩ không phải là quốc gia thành viên EU nhưng là một phần của khu vực di chuyển tự do Schengen kể từ năm 2008.

Các biện pháp tăng cường kiểm tra biên giới đã được thực hiện dọc biên giới phía Nam của Đức với Áo từ năm 2015 và đến nay vẫn có hiệu lực.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ban Thông tin của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào ngày 28/3 tại nước này.
Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố kết quả gây sốc của một phân tích cho thấy, đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ tạo ra khoảng 602.000 tấn rác nhựa mỗi năm thải ra các đại dương và hệ thống đường thủy thế giới. Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.