“Đừng hoài nghi về đạo đức, lối sống của lớp trẻ...”

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc trước những thông tin về người thầy: thầy giáo tát học sinh (HS) thủng màng nhĩ; thầy bảo kê để côn đồ đánh dân... Điều đó đã và đang làm méo mó hình ảnh người thầy trong xã hội và cũng là vết nhơ trong bức tranh của ngành Giáo dục nói chung, Giáo dục Hà Tĩnh nói riêng. Trước những ồn ào, bức xúc đó, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Văn Tịnh - Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Văn Tịnh:

- Thầy đánh giá như thế nào về hành vi lệch lạc của các thầy giáo trong 2 sự việc trên?

Không cần phân tích nhiều nữa, hành vi của 2 thầy giáo trong vụ tát HS thủng màng nhĩ và thuê côn đồ đánh dân là sai lầm trầm trọng, vi phạm căn bản nhất đạo đức nghề nghiệp. Nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục đó là phải luôn tôn trọng nhân cách HS. Thế nhưng… thật đáng buồn! Cũng là một người thầy, nhưng trước sự việc như vậy, tôi rất bức xúc và bất bình. Tôi đồng tình với các nhà giáo lão thành như GS Văn Như Cương khi cho rằng, những hành vi đó là phi nhân tính.

Em Phan Văn Chung (SN 1999) bị thầy giáo thẳng tay tát vào mặt khiến phải nhập viện sau khi học sinh này vứt giấy cho bạn ngồi bàn trên để mượn bút viết.
Em Phan Văn Chung (SN 1999) bị thầy giáo thẳng tay tát vào mặt khiến phải nhập viện sau khi học sinh này vứt giấy cho bạn ngồi bàn trên để mượn bút viết.

Vậy theo thầy, hành vi “phi nhân tính” ấy, nguyên nhân do đâu?

Để dẫn tới hành động lệch lạc như vậy có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở trường hợp này, phần nhiều do nguyên nhân chủ quan. Đó là những dồn nén trong quá trình làm việc và sự thiếu kiềm chế, khéo léo trong hành xử của người thầy. Đến trường, có thể gặp phải những trường hợp HS cá biệt nhưng làm thầy thì phải cư xử sao cho đúng mực, để người trò tâm phục chứ không thể dùng cái tát hay cú đấm cho hả giận.

Để được đứng trên bục giảng, được trở thành người thầy thì mỗi người đều phải trải qua chặng đường dài là học trò. Nhà trường luôn quan tâm đào tạo làm người rồi mới đào tạo làm thầy - “Tiên học lễ, hậu học văn” là vậy; truyền thụ kĩ năng, kiến thức, đạo đức, nhân cách cho người học, nhắc nhở người học không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân trong quá trình hành nghề. Như vậy, ai cũng được trang bị kiến thức nền tảng và khi bước ra xã hội, môi trường thực, mỗi người có một cách vận dụng. Do nhận thức, hiểu biết của một bộ phận nhỏ cá nhân dẫn đến những hành vi sai lệch, hay nói cách khác là “con sâu làm rầu nồi canh”.

- Nhìn nhận của thầy như thế nào về đạo đức HS, sinh viên hiện nay?

Phải nói rằng, thế hệ HS, sinh viên hiện nay rất năng động, sáng tạo, nhiều em đã biết phát huy tiềm năng của mình, hứa hẹn là tầng lớp thanh niên giúp ích rất lớn cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận đang có những biểu hiện suy thoái về đạo đức, ngỗ ngược với thầy cô, cha mẹ. Chứng kiến những hình ảnh như vậy, xã hội đau lòng, nhà trường đau lòng và những người thầy, người cô như chúng tôi càng buồn. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không quan tâm các em mà càng với những trường hợp cá biệt, chúng tôi càng quan tâm, uốn nắn.

- Đại học Hà Tĩnh hàng năm đào tạo rất nhiều thầy giáo, cô giáo cho tương lai. Trước những “con sâu” như trên, thầy có lời nhắc nhở nào dành cho HS của mình?

Chúng tôi tâm niệm truyền dạy cho HS, đó là luôn giữ nhân cách; không ngừng cố gắng về chuyên môn nhưng cũng phải mẫu mực về nhân cách. Điều quan trọng là xã hội hiện nay đừng hoài nghi về đạo đức, lối sống của lớp trẻ. Bạo lực học đường đang diễn ra nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ và những hành vi ấy đều phải trả giá. Dư luận xã hội lên án những hành vi lệch chuẩn trong giáo dục chứ không phải lên án ngành Giáo dục. Chính vì thế, chính bản thân các em phải tự rèn mình, giữ vững nhân cách và không được mất niềm tin. Phải là những tấm gương người thầy, người cô vị tha, bao dung, công bằng và giàu tình yêu thương, xóa mờ những hình ảnh xấu.

- Theo thầy, để ngăn chặn tình trạng trên, cần có những biện pháp nào?

Như tôi đã nói, nguyên nhân chủ quan là chính từ người thầy thì biện pháp cũng phải xuất phát từ chính người thầy. Không phải tất cả mọi người đều trở thành thầy giáo nhưng đã là thầy giáo phải hội tụ đủ năng lực và phẩm chất. Đối với những trường hợp vi phạm Luật Giáo dục, có những hành vi sai lệch, cần xử lý nghiêm khắc.

Ngoài ra, theo tôi, trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng hằng năm nên đưa vào chuyên đề văn hóa trường học, văn hóa nghề nghiệp cho các cán bộ, giáo viên. Còn đối với HS, cần quan tâm thiết thực hơn nữa đến đào tạo kĩ năng mềm (giao tiếp, ứng xử…). Cần nâng vị thế của môn giáo dục công dân, vận dụng thực tiễn các trường hợp cụ thể chứ không nên chỉ dạy lý thuyết. Đồng thời, gia đình phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục con cái chứ không nên phó mặc cho thầy cô.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast