Các trường THCS tại thành phố Hà Tĩnh triển khai nghỉ học ngày thứ 7

(Baohatinh.vn) - Để giúp giáo viên, học sinh giảm áp lực, có thời gian nghỉ ngơi nhưng vẫn đảm bảo chương trình, các trường THCS ở TP Hà Tĩnh đã thí điểm dạy học 5 ngày trong tuần.

Những ngày qua, chủ trương dạy học 5 ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) để nghỉ ngày thứ 7 đối với cấp THCS ở thành phố Hà Tĩnh từ năm học 2024 – 2025 nhận được sự quan tâm của dư luận.

1.4.jpg
Chủ trương dạy học 5 ngày trong tuần giúp học sinh giảm áp lực, có thời gian vui chơi, giải trí vào cuối tuần. (Ảnh tại Trường THCS Nam Hà).

Để triển khai chủ trương đúng mục đích, đạt hiệu quả, các trường THCS đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, thời khóa biểu hợp lý; đặc biệt là việc lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Mai Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh) thông tin: “Để triển khai chủ trương này, trước đó trường đã tổ chức lấy ý kiến bình chọn của phụ huynh qua các nhóm lớp. Qua tổng hợp, có hơn 99% phụ huynh tán thành phương án dạy học 5 ngày trong tuần và nghỉ ngày thứ 7. Cùng với việc lấy ý kiến phụ huynh, giáo viên, nhà trường cũng chủ động sắp xếp hợp lý các hoạt động giáo dục phù hợp để đảm bảo chương trình, chất lượng dạy học và tuyệt đối không bố trí dạy thêm vào thứ 7. Thay vào đó, tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh, các em có thể tham gia các CLB thể thao tự chọn...”.

Tại Trường THCS Lê Bình, việc triển khai kế hoạch dạy học 5 ngày trong tuần cũng đã được cân nhắc, bố trí hợp lý, đúng quy định, không quá 8 tiết mỗi ngày. Để đảm bảo chương trình, trường đã bố trí dạy học mỗi tuần 5 buổi sáng, 1 buổi chiều và cứ 3 tuần thì sẽ có 1 tuần học 2 buổi chiều.

1.7.jpg
Giờ học của học sinh Trường THCS Lê Bình.

“Đối với những băn khoăn của nhiều phụ huynh trong việc việc giảm áp lực cho học sinh trước tình trạng dạy thêm, học thêm, nhà trường cũng đã quán triệt cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc không tổ chức dạy thêm vào sáng thứ 7 và ngày Chủ nhật. Chúng tôi cũng mong muốn các bậc phụ huynh đồng thuận, đừng bắt con học thêm vào những ngày cuối tuần để tạo điều kiện cho các cháu được vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, phát triển các kỹ năng...”, cô Nguyễn Thị Tâm Tư – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình chia sẻ.

Bước sang tuần thứ 2 triển khai thí điểm dạy học 5 ngày trong tuần và nghỉ ngày thứ 7 đối với bậc THCS ở thành phố Hà Tĩnh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, niềm vui của giáo viên, học sinh.

Cô Ngô Thị Hoài Lê – giáo viên chủ nhiệm lớp 6B, Trường THCS Lê Bình cho rằng: “Đây là một chủ trương phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, chính đáng của cán bộ, giáo viên và người lao động. Đối với chúng tôi, có thêm ngày nghỉ cuối tuần đồng nghĩa với việc có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình hoặc vui chơi giải trí cùng người thân, bạn bè, tái tạo năng lượng cho tuần làm việc mới. Học sinh cũng rất vui và phụ huynh lớp tôi cũng đồng thuận 100% với chủ trương này”.

Chủ trương nghỉ học thứ 7 cũng đã mang đến niềm vui lớn cho học sinh THCS trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Em Lê Đình Đức - học sinh Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: "Được nghỉ học ngày thứ 7, chúng em rất vui. 2 ngày nghỉ cuối tuần, em sẽ thêm thời gian cùng với bố mẹ về thăm ông bà, tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cùng bạn bè... ".

1.1.jpg
Các trường THCS sẽ mở cổng vào thứ 7 để học sinh có thể vui chơi thể thao, đọc sách.

Thực tế cho thấy, với một số tỉnh thành trên cả nước, việc dạy học 5 buổi trong tuần đối với bậc THCS không còn là điều mới. Theo quy định tại Thông tư số 36/1999/TT-BGDĐT ngày 27/9/1999 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với ngành GD&ĐT, khi thực hiện dạy học 5 ngày trong tuần, các cơ sở giáo dục cần đảm bảo một số nguyên tắc và điều kiện cơ bản. Đó là không được tùy tiện cắt xén nội dung chương trình; không điều chỉnh chế độ lao động, định mức giờ dạy của giáo viên; hoàn thành khối lượng công việc được giao, đảm bảo số lượng, chất lượng và hiệu quả; giữ nghiêm kỷ luật lao động; không tăng chi phí hành chính; không tăng biên chế, quỹ lương...

Qua đối soát các nội dung thông tư và yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cả 9 trường THCS trên địa bàn thành phố đều có thể đáp ứng đầy đủ nguyên tắc và điều kiện để thực hiện việc dạy học 5 buổi trong tuần.

“Là địa bàn đầu tiên thực hiện thí điểm dạy học 5 ngày trong tuần nên trong quá trình triển khai, Phòng GD&ĐT thành phố cũng đã rất cân nhắc. Lãnh đạo phòng đã trực tiếp làm việc và duyệt kế hoạch với các nhà trường. Quá trình vận hành trong tuần học vừa qua cho thấy, việc xây dựng và triển khai chủ trương của các trường được thực hiện phù hợp, không áp lực đối với giáo viên, học sinh.

Cùng với việc quán triệt tinh thần giáo viên các trường công lập không tổ chức dạy thêm ngày thứ 7, Chủ nhật, phòng cũng chỉ đạo các trường THCS mở cổng vào sáng thứ 7 để học sinh có thể tham gia các hoạt động thể thao và thư viện trong trường”, cô Trần Thị Thủy Nga – Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết.

Chủ trương dạy học 5 ngày trong tuần để nghỉ ngày thứ 7 đối với cấp THCS ở thành phố Hà Tĩnh đang nhận được sự đồng tình của đông đảo các bậc phụ huynh, cán bộ, giáo viên. Cùng với việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong trong ngành, mục tiêu tất cả vì học sinh và đảm bảo chất lượng dạy học vẫn đang được ngành giáo dục thành phố quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.